Eo Nín Thở - Truyện ngắn dự thi của Hoa Nguyên
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015
Thứ Bảy, ngày 17 tháng 5 năm 2014
Ở ngoại ô Qui Nhơn, trên đường về biển chạy dọc đường Nguyễn Huệ có một khúc cua. Dân địa phương gọi là Eo Nín Thở. Năm 1988, dân cư thường đổ rác và tập kết xác mắm các nhà thùng thải ra ở đây. Vậy nên Eo thường bốc mùi nặng. Khiến ai đi ngang cũng phải bịt mũi, vù nhanh. Mọi người đặt chết tên cho nó luôn! Eo Nín Thở. Chính tại góc cua chỗ Eo này, tôi có kỷ niệm không phai mờ cho tới nay. Mùng một Tết năm ấy...
Tác giả Hoa Nguyên
Tên thật Nguyễn Thị Hoa
Địa chỉ: Đường Ngô Gia Tự, Phan Rang - Ninh Thuận
Email: hoanguyenmt404@gmail.com
_____
EO NÍN THỞ
Ở ngoại ô Qui Nhơn, trên đường về biển chạy dọc đường Nguyễn Huệ có một khúc cua. Dân địa phương gọi là Eo Nín Thở. Năm 1988, dân cư thường đổ rác và tập kết xác mắm các nhà thùng thải ra ở đây. Vậy nên Eo thường bốc mùi nặng. Khiến ai đi ngang cũng phải bịt mũi, vù nhanh. Mọi người đặt chết tên cho nó luôn! Eo Nín Thở. Chính tại góc cua chỗ Eo này, tôi có kỷ niệm không phai mờ cho tới nay. Mùng một Tết năm ấy...
*****
Các em con cậu ở Qui Nhơn vô Phan Rang chơi, rủ tôi ra ngoài ấy ăn Tết. Dù gì cũng cuối cấp, tụi nó dụ tôi xả hơi mười hai năm cày mòn ghế nhà trường. Tưởng sao chớ du hí sơn thủy hữu tình thì tôi khoái lắm!
Mấy chị em lên ga Tháp Chàm sáu giờ tối hôm nay. Chấp nhận lắc lư đong đưa mỏi mệt một ngày. Chiều hôm sau tàu có mặt tại ga Diêu Trì. Chưa kịp dạo mát cho biết thành phố Cảng thì tôi bị kéo vào gian hàng Mỹ phẩm trong chợ tròn, phụ bán cho đứa em. Sáng mùng một Tết, Mợ tôi dựng đầu các con dậy lúc bốn giờ sửa soạn đi thắp nhang. Nghĩa trang nằm cách nhà mười hai cây số. Nhà mợ nằm ở duới cầu tàu, Cảng Một. Tuổi trẻ như chúng tôi đạp xe rã cặp giò. Hài cốt người thân của mợ mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ rộng bát ngát. Từng dãy bia trang trọng trắng toát, chênh chếnh, cao dần lên, tắp lự chỉnh tề. Dân Qui Nhơn có cái hay là ở đây! Họ đi viếng mộ tưng bừng, đông như trẩy hội. Họ ăn mặc đẹp và mới, cười nói xã giao như đang cùng dự tiệc. Hoa tươi rói bọc gói kỹ. Bánh trái rực rỡ Kẻ đốt pháo, người thắp nhang... vui vẻ chào nhau. Ai nấy đều cũng đốt pháo trên mộ người thân. Mùi nhang trầm thơm ngát... Sau những lần ra nghĩa trang ở Qui Nhơn hay Phan Rang, tôi có bài “Tảo Mộ” mà chẳng dám gởi đi. Cũng chưa chắc báo nào chịu kiểu thơ như tôi. Tòa soạn chê mê tín dị đoan hay bi lụy cũng nên…
…góc cạnh
những ngôi nhà nhỏ gạch men
mặt tiền ốp đá granit
thánh giá
chữ vạn
kiểu cách lớp trước
vượt trội hàng sau
đẹp và bền
những người thân lúi húi lau chùi
làm mới
chăm sóc vén vun
tỉa tót phác dọn
giỗ cúng
việc chẳng đặng đừng!
Họ hàng thân quyến cháu con
về dâng hương tụ hội
góp sức tưng bừng
nghĩa tận với người đã khuất!
Khí khái tử sinh đoạn trường phẩm trật
tổ tiên hưng phế thăng trầm
kẻ nắm trong tay
người hồn tay trắng!
Cõi dương gian một thưở xênh xang
chốn trần gian mấy buổi huy hoàng?
Có vòng đời chưa trọn
đã tắt ngang
trong tưởng nhớ của vợ con
bè bạn
Cuối năm thanh tẩy
nồng ấm một lần
giao thừa về chia sẻ với người thân
chung vui xuân tới
vứt đi lỗi tội
giũ đời
Sáng mai ra
duyên ai phận nấy!
Cuộc trước đã như là lưu dấu
nghĩa tận
vòng đời
còn vương vấn tới nay
Xong ở đây, người nhà mợ kéo tôi đi viếng thêm hai nghĩa trang nhỏ hơn ở tuốt luốt trong xóm nghèo, phải lội qua mấy vũng nước mưa. Họ cũng đốt pháo tưng bừng trên những ngôi mộ chưa được xây lăng, chỉ đắùp điếm cỏ vạt lan tràn. Gần mười hai giờ trưa. Mợ và các em nhỏ kéo tôi lên xe hàng về cho đỡ nắng. Nhưng tôi say sóng, không chịu nổi khói xăng. Mấy em lớn hiểu ý, lôi tôi xuống cùng đạp xe cho vui. Các em hứa sẽ cho tôi biết biển Qui Nhơn dọc theo đường Nguyễn Huệ. Tụi nó cười nói:
- Chị ra tới đây mà chưa thấy tượng Đức Thánh Trần hé? Thì coi như chị chưa biết Qui Nhơn rầu!
- Tượng này khéo lắm! Nẫu ở xa tới đây chụp hình chụp bóng về làm kỷ niệm!
Nói về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì tôi thuộc lòng bài “Hịch Tướng Sĩ” từ trước khi vô cấp hai, qua các anh chị lớn. Tôi nổ với tụi nhỏ rồi vỗ chiếu, đọc làu làu:
- Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình…
- Hổng phửa! Chị lộn bừa Cáo Bình Ngô rầu!– Các em è lên.
- Quên quên! Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…
Các em bảo tôi sẽ thấy Đức Thánh Trần chỉ tay ra biển, chỉ qua bên kia là Đa Minh, bảo dân hãy đi ra biển! Mà dân địa phương nói trệch là đi vượt biên. Nên họ đua nhau vượt biên cả làng! Tôi tin răm rắp. Đa Minh là một trung tâm sầm uất, đẹp đẽ. Bên đó nhập khẩu hàng các nuớc về nhiều lắm. Nói tới hàng hóa là tôi thấy ham. Cháu gái mợ to con hơn, xung phong chở tôi. Chị ta giành tay lái, ép tôi ra sau foocbaga rồi nói:
- Để chị về Phan Rang còn có kỷ niệm hử! Cỡ sấp hai chị, em chở còn kịp lợ...!
Mấy chị em tiếp tục cuộc hành trình… Sáng mùng một Tết vừa đói meo vừa khát nước. Mặt đứa nào cũng hăm hở chạy về hướng biển dọc Lê Hồng Phong. Tôi náo nức không kém khi nghe tụi nó nổ Đa Minh như một thiên đường mua sắm. Mà tôi thì mê cái khoản này lạ!
Bốn chiếc xe đạp, tám người chở nhau chạy thong thả qua hướng Eo Nín Thơ, û để về biển cho nhanh thay vì đi vòng. Cái nhanh của “Nhanh một giây, chậm một đời!” mà bên Giao Thông thường cho kẻ dòng đậm trên các vách tường, căn dặn tuổi trẻ xốc nổi, thiếu suy nghĩ!
Ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Càng lúc càng khát nước, chúng tôi không tìm thấy quán nào. Nhất là những đoạn hôi thối này, ai mà dám ngồi bán trong mấy ngày Tết? Chúng tôi cố chờ về tới biển rồi uống luôn… Thời bao cấp các em tôi cũng đâu có tiền nhiều để mua xá xị, nước cam trữ sẵn. Thấy các em gò lưng đạp, tôi chạnh lòng nhổm người lên mong sao nhẹ bớt được ký nào! Hễ ai ngồi sau là phụ một giò lên trước bi đanh phụ đạp. Tôi khô róc cổ, nhìn quanh đường xá ngoại ô cứ xa hun hút... Sáng mồng một Tết mà hiu quạnh như sa mạc… xác mắm! Gần tới Eo Nín Thở, các em tôi báo:
- Chị chị! Bịt mũi lại! Chị! Bịt mũi lại!
Thời đó đâu có ai bịt khẩu trang ra đường! Cũng chưa có mũ bảo hiểm. Đứa nào cũng một tay cầm lái, một tay bịt mũi! Tôi ngồi sau xe có lợi thế, nên kéo cổ áo lên che miệng. Trời đứng bóng, im re, chẳng một ngọn gió. Nên mùi hương ba số bảy cũng không thể thoát ra khỏi nơi này mà lẩn quẩn... Ôi trời! Vậy mà tôi lãng mạn nặn ra bài thơ về “Sóng tình yêu”… Có lẽ do những ngày sống trên nhà sàn với các em cô cậu đúc kết ra vần điệu này…
Có nghe tình yêu hát khơng?
Sóng say dìu dặt bềnh bồng
Bằng cả tâm hồn dâng hiến
Còn gì tuyệt hảo vô song!
Bỗng ngày kia sóng ập về
Tình trôi theo ải nhiêu khê
tải chặng buồn qua khung cửa
dòng đời trùm phủ ê chề
Lời thề hôm nao còn nhớ?
giờ sóng ì oạp bơ vơ
Tình vụt qua nhau vồi vội
Hộc nào đong hết ơ thờ?
chở tình yêu đi xa xăm
hát lời sóng vỗ âm thầm
gọi tên nhau hoài chẳng thấy
thét gào tận cõi trăm năm…
Đường thưa thớt, nắng cháy da người. Mùi xác mắm, mùi rác của những ngày trong năm thiên hạ mua sắm Tết, chất đống đống cao. Nay gặp nắng, hương bốc lên ngun ngút như có khói. Chẳng ai chịu nổi! Mấy em nhăn mặt lắc đầu:
- Chị chị! Phải vượt càng nhanh càng tốt! Đoạn này dài ba, bốn cây số lận! Ai mà thở là nám phổi, viêm phổi, biết chưa hử!
Tôi vì muốn tận mắt thấy ông cụ Thánh Trần chỉ tay ra biển, chỉ vì thích xem Đa Minh - một Hồng Kông của Việt Nam - mà phải chịu trận thế này!
- Chị ráng nín thở mươi phút hử! Đoạn này thúi lắm! Dẫy đi hé! Mươi phút hé!
Cháu gái mợ nhắc nhở tôi: “Ờ thì… người sao tao vậy, chớ biết sao giờ!” Các em còng lưng đạp vèo vèo. Gió ngược vù vù... Bi đanh xe quay ro ro. Tôi linh tính có chuyện không hay, liền vỗ lưng chị chở:
- Từ từ! Nhanh dữ vậy? Sợ quá! Từ từ chớ!
- Chị đừng lo! Em chạy cừ lắm hé!
Vậy mà tôi vẫn thủ thế giữ chặt yên trước, co người lại. Tôi nghĩ tới cái đầu chưa bảo hiểm. Làm gì có cái mũ bảo hiểm nào trong thời buổi đó!
- Chậm lại chút! _ Thấy chị ấy không giảm tốc độ, tôi dọa _ Thôi cho xuống đi bộ. Say sóng quá.
- Chị tính đi bộ na? Sợ chị không dám đó chớ!- Chị ta tỉnh bơ đạp, mắt vẫn nhìn phía trước- Chị dám đi bộ chỗ này hé? Em cho chị xuống đây luôn.
Các em phá lên cười. Tôi thấp thỏm cầu mong đừng có chuyện gì xảy ra. Để tôi còn nhìn thấy Thiên đàng nữa! Chỉ cần vượt qua chặng này là tới Cổng địa đàng rồi.
Cùng lúc, có mấy cặp trai choi choi đạp xe cùng chiều từ sau lạng sát vô tay lái. Tui nhóc hò hét cười giỡn, réo to:
- Nhanh lên, thúi lắm! Đạp nhanh lên!
- Mấy em... nhanh lên hé!
- Thi đi. Thi đi! Nhanh lên chớ em! Ở đây lâu hử thúi!
- Đua đi! Đua chớ! Hay mấy ẻm thua rầu cũng nên! Mấy ẻm thua rầu hé?
Bọn chúng cứ rà xe sát vô khích bác, va quẹt, đụng tay, chị lái xe chao nghiêng, lấy gồng gượng lại. Rồi chúng nó cua quặt ra, rồi lạng sát vô... Các em tôi hét:
- Ê! Tụi bây láo cá hé! Không được giỡn! Láo cá!
Một thằng nhóc chụp tay lái xe đạp định kéo chạy nhanh theo nó, bị em tôi hất ra. Chị chở chao đảo lạng xe qua bên phải. Tôi vừa kịp ê lên thì... Rầm!
Không! Không phải tốp này! Mà một tốp thanh niên đi cúp 50, 70 cánh én, kim vàng giọt lệ gì đó, từ khúc cua dưới biển chạy lên, lao thẳng vô giữa chúng tôi. Mải lo tránh né tụi phía sau nên tới gần mới kịp nhận ra một tốp ngược chiều bên phải. Bốn, năm chiếc xe tung nhau ngã rần rật! Tôi chỉ rơi tại chỗ vì trật khỏi foocbaga. Đúng ra nhờ tôi thủ thế sớm. Nhưng chị chở lại nằm giữa lòng xe máy. Hơi choáng một chút, tôi lắc đầu nhìn lại cả nhóm ngã sòng soài! Từ trong mũi tôi một dòng nước nóng chảy xuống. Tôi đưa tay quẹt nhanh… Màu hồng. Dịch tương lẫn máu!
Do tôi kiên quyết không rời xe nên gò má tôi bị va xuống tay lái honda của ai đó. Khiến mắt tôi sưng bầm rướm máu… Tai chị chở bị xẻ một đường, máu đỏ tươi chảy ra. Tôi tái người. Còn hai thanh niên chạy xe máy kia máu trên mũi chảy xuống. Một anh chạy xe khác đưa tay vuốt vuốt máu tươi đỏ lòm đầy mặt. Người đi đường bu lại coi. Các thanh niên vội chở nhau chạy đi bệnh viện để khâu vết thương. Một anh tới đỡ tôi dậy hỏi có sao không? Trời! Anh đẹp trai, phong độ ghê luôn mà tôi thì ốt dột, không dám mở miệng! Các em chạy qua bên đường ngoắc ngoắc tay ra hiệu:
- Lẫu do mình, không phải tại nẫu! Lẫu do mình! Nhớ hé! Đừng chỉ nhà dưới Cảng Một hử! Nẫu tới nẫu bắt thường đó hử!
Tôi hoảng hồn ngơ ngác. Một anh nâng cằm tôi lên nhìn kỹ vết thương. Mắt tôi nhắm lại! Môi tôi hé ra… hỏi khẽ khàng:
- Có... có… sao không anh?
Thật ra thấy anh thanh niên cất giọng mặn mòi, tôi xao xuyến. Anh ta im lặng nhìn kỹ hơn chỗ gò má bị sưng. Mặt anh ta sát mặt tôi. Miệng tôi lắp bắp gì đó… Lúc này tôi hơn mười tám, sát nút mười chín rồi chứ bộ! Ôi trời! Phải chi không xảy ra cú va quẹt này thì kết bạn mới hay làm sao! Tánh tôi tham, thích bạn bè ở khắp địa cầu. Tôi cũng muốn quen dân địa phương lắm chứ! Từ bên kia đường, các em vẫy vẫy tay bảo chuồn lẹ! Tôi thở ra! Nhìn thấy máu ướt xuống áo chị chở, tôi hết hồn, xót dạ làm sao! Một anh ngồi yên sau xe, bị văng xa, máu rưới xuống mặt. Mọi người lần lượt chở nhau tới bệnh viện. Tôi ngoái lui, tốp choi choi kia thấy tai nạn, lượn mất hút! Các em bà con lại giả lơ như chưa quen biết! Tụi nó liếc dọc liếc ngang rồi hổ tuốt!
Hai chúng tôi được người ta gọi cho chiếc xích lô chất cả xe đạp lên, bắt ngồi vịn… Giữa trưa nắng chang chát như sa mạc, ngang vùng biển. Tôi khát nước khô cổ. Da mặt đỏ căng bóng lên hực nóng. Mấy người nhà gần đó chạy ra, dấp muối lên chỗ gò má bị sưng của tôi rát rạt. Vết bầm cách mắt phải chưa tới hai phân. Mắt tôi dần híp lại, nằng nặng. Xích lô chở hai đứa đi ngang đường Lê Hồng Phong dọc biển. Tôi nghe sóng dào dạt vỗ bờ thế nhân mà lòng buồn nảo. Tứ bài thơ “Sóng ru thân gầy” tôi bắt gặp nơi đây…
Tự bao giờ?
sóng tắp trôi…
mà không thôi
vỗ đập dồi
tha nhân!
Buốt bời
rát bỏng
tấm thân
tránh luồng sóng dữ
ngập chân vơ ngùy
Sóng ơi
vờn cát nữa đi!
cho trôi xóa vết chim di qua cầu
hứa già rẽ sóng bạc đầu
Vẫn y như cũ
nếp nhàu thời gian…
Lời nào thề thốt sẵn sàng?
thả theo sóng cuộn
cuốn phăng bọt bèo
Một mình trên bãi cheo leo
dấu chân
con sóng
xoáy vèo đời ai?
Những vòng trũng
những vòng nhai
nghiến day buồn
nghiến tàn phai xuân thì
Sóng ơi
vờn cát nữa đi!
Triền bờ tình tự
sá gì ngàn năm…
Ngồi trên xích lô tôi quê quá, tay bụm che gò má. Chị chở bụm tai, quên cả đói cả khát… Nỗi lo sợ lấn át ít nhiều! Hai cặp thanh niên chạy kim vàng giọt lệ rà theo bên hông xích lô thăm hỏi:
- Có sao không em? Hai đứa em ở đâu dẫy? Có sao không em?
Hai đứa nghe các em dặn rùi, nên đâu dám hé răng! Ngồi trên xích lô tôi vừa mắc cỡ, vừa lo nghĩ tới anh bị chảy máu mới nãy mà tội nghiệp! Tôi sợ rủi ảnh chết, tiền đâu mình đi điếu?! Bốn thanh niên chạy theo cứ hỏi:
Cho anh đưa về nhà giùm hử?! Nhà em ở đâu dẫy? Có cần, qua bớt xe anh đi hé…
Hai đứa tôi giả vờ câm điếc, mặt nhăn nhó như khỉ để khỏi bị truy hỏi! Chị chở bấm tôi nhắc đi nhắc lại:
Nhìn chỗ khác, nhìn chỗ khác chị! Đừng để nẫu biết mặt, nẫu cừ, còn bắt thường mình nữa hử. Nay mơi ra đường nẫu nhận mặt, nẫu cừ!
Tôi thấy người ta tử tế chứ có bắt đền, bồi thường gì đâu! Mà mình tệ thiệt tính kế trốn trách nhiệm vậy chớù! Tôi âu sầu thở ra, đăm đăm nhìn phía trước. Sao con đường về cảng Một, nơi có nhà mợ cứ xa hun hút… Bốn anh nọ cứ rà xe theo hỏi han. Mắt họ nhìn hai chúng tôi nên không thấy chiếc xe đi ngược chiều va quẹt vô cái ào…! Họ phải dừng lại giải quyết. Lần này tôi lo sợ, ngoái ra sau dặn:
- Chú xích lô! Chú xích lô! Đạp nhanh lên giùm con.
- Không thì quẹo ngõ tắt về nhà lẹ lẹ!- Chị chở bày mưu- Đánh lạc hướng nẫu! Đánh lạc hướng nẫu giùm tụi con hé!
Chị ta dặn bác xích lô. Còn tôi thì run rẩy! Chơi Tết mà như trốn nợ vậy! Mắt tôi nặng trịch! Đói khát cực khổ quá! Một cuộc hành xác thì đúng hơn!
Về tới nhà, vẫn chưa thấy các em chạy trước đâu. Tôi mệt, phải nằm nghỉ. Thật tiếc, tôi không nhìn thấy tận mắt cảnh đẹp nơi đây. Biết khi nào mới có dịp ngồi trên bãi biển Qui Nhơn, hít thở khí trời với người thân, bạn bè hàn huyên tâm sự được nữa?! Tôi cứ nghĩ cuộc đi này là lần cuối cùng! Cả tiếng sau, các em mới mò về. Tụi nó thậm thụt như đang đóng phim hình sự, lấm lét kể:
- Sợ nẫu chạy theo sau nên tụi em dừng lại đón chừng! Có gì báo động chị lo mà trốn nữa chớ! Nẫu không biết chỗ mình thiệt chớ?
- Chị có thẹo ở xứ nẫu về trổng mới có kỷ niệm nhớ đời! Dẫy hử?
Trời...! Chiều tối đó, mặt tôi căng lên, mắt sưng vù. Tôi buồn da diết! Nằm nhà nghe sóng quăng quật xô chân trụ rung cả chòm nhà sàn lát gỗ mà tôi tưởng tượng đủ thứ. Sóng nước lùa xác súc vật, cá chết ương, phù sinh rong bèo bốc mùi tang tưởi lều bều bám quanh gầm cột nhà. Tôi cứ lấy gồng thi vị hóa dòng nhố nhăng rác rưởi thành bài thơ tình “Sóng”, Thôi kệ! Có vậy mới tồn tại lâu dài. Đời mà! Tự tôi an ủi mình lúc trong bếp có cửa sổ chống nhìn ra khơi xa, khi trên giường chốc chốc rung lên bời sóng. Những bậc cầu thang những cột kèo ngang dọc của chòm nhà sàn liên đới nhau. Tựa nương căn nọ với căn kia để khỏi bị bão tố đẩy đưa chao đảo…
Về sau, mỗi khi có dịp diện giày cao gót bước trên thảm nhung lạnh lẽo đã có trăm ngàn người khác giẫm đạp, tôi có cảm giác vô vị chán ngấy! Tôi thèm thả chân trần trên những bậc thang gỗ thô ráp xỉn màu qua năm tháng bởi nước biển mà đượm tình làng nghĩa xóm như ở đây! Một nhà nấu, cả xóm thơm. Nhà bên dột, chạy qua trú hàng lang nhà láng giềng láng tỏi. Nhà mợ tôi nấu canh chua cá lóc chia sẻ với hàng xóm cá kho rim kho quẹt. Tôi thà cơ cực lên xuống lọc cọc trên ván ép sàn mà sạch sẽ còn hơn nhún nhảy lướt gót trơn trượt trên nhung lụa nhớp nhúa bởi chân hàng trăm người tứ xứ chà lết! Có thế này tôi mới thấy mình lớn lên, trưởng thành hơn. Tết nhất không đi chơi được, cũng không biết mặt mũi Ông Thánh Trần ra sao! Cũng đành lòng! Ấm ức này không bằng ấm áp của tình cảm nồng hậu của bà con, hàng xóm cảng Một dành cho mình... A! Tôi nhớ mang máng là trưa đó, khi xích lô chở sượt ngang, đứa em bà con dừng xe, chống chân đứng chờ từ xa, nói vọng ra sau:
- Đó đó! Tượng Ông Thánh Trần đó! Sau lưng chị đó!
Tôi ngoái lui có thấy cái lưng tượng nhỏ dài như cái que. Còn Hồng Kông bên hông Nguyễn Huệ cũng chỉ là mây khói! Đã vậy còn bị nếm mùi hương ba số bảy tại Eo Nín Thở. Cả đêm tôi không ngủ được. Nhắm mắt là tôi nghĩ ngay tới cảnh hồi trưa.
Khuya đó, tôi mơ thấy Ông Cụ Thánh Trần chỉ tay vào tôi chớ không chỉ ra biển! Cổ tôi khô rọc, mắt díp lại nặng trịch. Thức giấc, là tôi nghĩ ngay tới việc sao người ta không thờ Đức Thánh Trần trên bàn tiên tổ? Dù sao cũng là người nước Nam, còn hơn du nhập! Ngày lại ngày qua phải nhìn bàn thờ năm ông bảy bà của mợ mê đồng bóng mà tôi chán ngán. Từ lúc cậu Út học tập cải tạo ngoài Bắc rồi chuyển vô A30, là mợ giở chứng, dẹp bàn thờ Chúa xuống. Trong khi dòng họ tôi năm, sáu ma sơ. Có dì tu nghiệp bên Thụy Sĩ về nước phục vụ dòng Mến Thánh Giá ở Huế! Và hai người nhậm chức Cha Tiến sĩ Thần học ở Mỹ, ở Úc. Mỗi khi thấy mợ chổng mông xì xụp khấn vái năm ông lạ hoắc, khói nhang ảm đạm là tôi bỏ xuống cầu thang gỗ, ngồi khua chân vọc nước biển. Tôi bóp trán vắt óc cố nhớ vị vua đã lập ra thiền phái Trúc Lâm mà sao bà con mình không thờ vị đó? Cũng là Phật Hoàng mà!
Mấy ngày sau, gò má tôi sưng cao hơn. Mắt tôi bị híp chặt, bầm đen trong mắt, ghèn bít kín đầy lông mi, mở không lên. Sáng nào tôi cũng phải dùng nước nóng để rửa. Lau bông gòn vẫn đau. Chỗ vết thương thì rát. Lúc này, tôi nhớ Phan Rang quá chừng! Nằm lại đây tôi chán, mong về nhà kinh khủng. Mợ dặn phải chờ hết sưng mới được về kẻo Ba Me tôi biết. Suốt ngày tôi cứ rờ lên chỗ vết thương coi nó xẹp chưa? Tôi sốt ruột cứ gỡ gỡ miếng vảy dài dài vương vướng dưới mắt ra. Các em mua nghệ bắt tôi chấm vô chỗ vảy mới gỡ còn rướm máu, kẻo nó làm sẹo. Nhờ nằm lên nằm xuống trên nhà sàn mé biển, đêm ngày sóng dập dồi run rẩy chòm xóm. Sóng tắp rêu rong xanh lét với xác cá chết quấn quanh cột trụ mà tôi nhấm nhẳng ra bài “Nhớ làm sao!”…
Nhớ Cha già
mắt nhoẹt nhòe
nhớ Mẹ hiền
nhớ rặng tre cuối làng
nhớ em cắp sách rộn ràng
ríu ra ríu rít
ngập tràn ngõ quê
Những chiều dạo khúc ven đê
anh ngồi câu cá
chị về chợ xa
nhớ mong chẳng bớt phôi pha
nhớ sao mà nhớ…
mặn mà
thấm đau!
Lòng quặn thắt
ngấn giọt sầu
chốn xưa về lại
dãi dầu cũng cam!
Đêm
khao khát giọng người thân
buồn xa xứ Quảng
ngút ngàn nhớ nhau…
lay phay
mưa ướt niềm đau
vãi rơi trên má
bạc màu vấn vương
Mai về
xứ Quảng thân thương
Người biền biệt
nhớ gió sương quê nhà
thắt the lòng
nhớ xót xa
Sớm trưa
mưa nắng
Ơi là nhớ mong…
Buổi tối buồn thê thảm. Vợ chồng em gái bên Phan Đình Phùng, nghỉ bán chợ tròn, qua chơi. Nhìn thấy mắt tôi nhắm tít lại, gò má bầm đen mà nó rầu rĩ nhằn:
- Mắc chi sợ na? Lẫu do mấy nẫu lấn qua trái, cua sát bên trái quá nên mới va quẹt vô xe mình! Xe chị ngã còn trong lề phải mà sợ cái nẫu gì! Sao không bắt nẫu đền hử? Chớ chị không thấy nẫu rà rà xe theo vì có lẫu hé? Lẫu do nẫu chớ do mình na sợ? Mình có bang ra giữa đường như nẫu na?Nẫu tắp sát ép mình cho cố mới bị chớ!
Vậy mà tôi tởn hồn tởn vía! Vậy mà tôi cứ tưởng mình dễ thương, chị chở mũi dọc dừa, môi trái tim, da rám nâu săn chắc nên các anh chạy theo hỏi thăm chớ!
…Giờ thì sẹo đã mờ theo năm tháng, nhưng để lại vết thương trong lòng tôi. Chuyện năm xưa chỉ còn là ký ức lờ mờ, vậy mà tôi vẫn nhớ đến chừ. Một kỷ niệm xưa cũ khó quên. Biết đâu, nếu không... tôi đã để lại đó một mối tình! Một tấm lòng! Nhất là với con nhỏ đa sầu đa cảm như tôi! Tánh tôi lãng mạn lắm!
Mấy chục năm qua rồi còn gì! Nhưng mỗi khi soi gương, tôi lại thấy vết tích của ngày mùng một Tết năm đó, để rồi buồn buồn với bao hoài niệm... Đáng buồn là ngày nào tôi cũng soi gương trước khi ra đường! Hồi ức liệu có lu mờ như gia chủ? Dấu vết của một thời xa xôi tít tắp, của một vụ giao thông bất cẩn. Người xưa giờ ở đâu? Mấy anh thanh niên đẹp trai mặn mòi đó…
Ngày đó, nếu không ham tốc độ thì chẳng xảy ra chuyện xúi quẩy như vậy! Khổ sở nhất là sau vụ va quẹt, tôi không dám ngồi sau tay lái ai. Hoặc bất đắc dĩ, ai chở thì tim tôi cứ nhảy thon thót, luôn miệng kêu chậm chậm! Giá như địa phương không tập kết xác mắm rác rưởi. Trả lại khúc eo, khúc nhôi nên thơ cho thành phố Cảng Qui Nhơn, thì... Giá đường sá của ngoại ô cũng được lao công dọn dẹp sạch sẽ, môi trường không để ô nhiễm. Thì khách phương xa như tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời trên đất cảng năm xưa rồi. Người em xứ nẫu gởi phúc đáp kể chuyện ngoài nó bằng giọng thơ than vãn… Chị à…
Dạo này đường mát lắm hen!
thống thông đánh võng phóng chen vèo vèo
Mẹ già sốt ruột ngó theo
quẹt vơ cụ kỵ ngã khèo, tẩu luơn!
Công viên tụ điểm vũ trường
bày mồi bày rượu ngang xương nẫu nằm
Dân phòng thấy chướng hỏi thăm
tung tăng xí xớn lăm lăm chọi liều
nháo nhào trẻ chạy bạt xiêu
văn minh đô thị kiểu gì đó you?
Nẫu chưa chịu học chữ nhu
xin khoan vội chớ bày ngu giữa đàng
tàn cơn mộng mị võ vàng
thằng tui trở lại là thằng tui thôi!
Nẫu thích nhong nhỏng chạy chơi
tránh em, đừng xúi chầu trời sớm nghen!
nào đâu thụ hưởng bon chen
lái lèo phĩng ẩu là em bắt đền!
*****
Khi tôi viết xong bài này, anh tôi hỏi gởi báo nào? Tôi nói Đại Đoàn Kết. Anh tôi ngạc nhiên:
- Ủa! Nội dung này đâu có ăn nhập gì. Em viết về thời nữ sinh mà!
- Quên quên! Vậy em gởi báo Hoa Học Trò. Được chớ anh?
- Sao được? Em viết về tai nạn gì đó! Già ngắt còn Học trò!
- Thôi gởi tờ Giao Thông... nhuận bút bao nhiêu? Tờ nào nhuận bút triệu rưỡi đâu anh?
- Trời! Rõ tham!- Anh tôi kêu lên- Người gì tham thiệt là tham! “Chưa giàu đã lo ăn cướp”! Ôhô!
49/83A Ngô Gia Tự Phan Rang NT
ĐT: 0945548707
Email: hoanguyenmt404@gmail.com
. Cập nhật lại ngày 24/11/2015
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Phan Rang ngày 17.5.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét