Một đời với sách – Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách của Vũ Anh Tuấn
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014
Trên 70 năm đã trôi qua mà tôi vẫn không thể nào quên
được một buổi sáng thật đặc biệt trong đời tôi. Buổi sáng hôm đó, khi vừa ăn
sáng xong và sửa soạn đến trường, thì cha tôi gọi tôi lại và trao cho tôi một
cuốn sách: Cuốn Lên Tám của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đó là một cuốn sách viết
bằng thơ ngũ ngôn, và được minh họa bởi danh họa Mạnh Quỳnh. Sách có vài chục
bài thơ ngũ ngôn viết cho một em nhỏ lên tám, để chỉ dẫn cho em cách thức sống
ngoan, sống đẹp, và cách sống hiền hòa, lễ độ với anh em, cha mẹ, ông bà, cũng
như với bạn bè, xóm giềng vv…Đọc những bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ, và được xem
những hình minh họa cực đẹp, tôi bị cuốn sách thu hút thật mãnh liệt, và bắt
đầu biết yêu sách…
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Vũ Anh
Tuấn
Sinh ngày 24-3-l937
Tại TP. Hải Phòng.
Nguyên giáo sư Anh Văn
Từ năm 1975 đến nay hành nghề dịch giả.
Hiện sống và làm việc tại TP.HCM
Email: vat.kimthu@gmail.com
_____
MỘT ĐỜI
VỚI SÁCH
LẦN ĐẦU GẶP SÁCH
Trên 70 năm đã trôi qua mà tôi
vẫn không thể nào quên được một buổi sáng thật đặc biệt trong đời tôi. Buổi
sáng hôm đó, khi vừa ăn sáng xong và sửa soạn đến trường, thì cha tôi gọi tôi
lại và trao cho tôi một cuốn sách: Cuốn Lên Tám của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đó
là một cuốn sách viết bằng thơ ngũ ngôn, và được minh họa bởi danh họa Mạnh
Quỳnh. Sách có vài chục bài thơ ngũ ngôn viết cho một em nhỏ lên tám, để chỉ
dẫn cho em cách thức sống ngoan, sống đẹp, và cách sống hiền hòa, lễ độ với anh
em, cha mẹ, ông bà, cũng như với bạn bè, xóm giềng vv…Đọc những bài thơ dễ
hiểu, dễ nhớ, và được xem những hình minh họa cực đẹp, tôi bị cuốn sách thu hút
thật mãnh liệt, và bắt đầu biết yêu sách…
NHỮNG NGÀY ĐẦU CHƠI SÁCH
Tôi bắt đầu biết xin tiền cha
tôi để mua sách, và cụ cho tôi một cách dễ dàng và dồi dào để tôi bắt đầu biết
ghé thăm các tiệm sách một cách thích thú. Tôi thích cuốn Lên Tám và thấy quảng
cáo là trước cuốn Lên Tám, còn có cuốn Lên Sáu, nên tôi tìm mua ngay và
cũng thích cuốn Lên Sáu không kém gì cuốn Lên Tám. Và tôi bắt đầu chú ý tới các
báo cho thanh thiếu niên có nhiều tranh ảnh đẹp tuyệt vời như Cậu Ấm Cô Chiêu,
Học Sinh, Sách Hoa Mai, Sách Hồng, và nhất là báo Truyền Bá với những truyện vô
cùng hấp dẫn, mà chỉ dạy cho những thiếu niên như tôi sống đẹp, sống hùng,
không thèm láu tôm láu cá gian manh, chỉ phù suy, không thèm phù thịnh, biết
thương người nghèo khổ yếu thế cô đơn, biết ghét bọn lưu manh, bọn cường hào ác
bá… Ôi thật tuyệt vời, không hiểu sao sách hồi đó tuyệt vời thế!
Chỉ một thời gian ngắn, mới gần
một năm, tôi đã có khá nhiều sách báo và đã biết cất chúng rất kỹ lưỡng trong
một cái rương loại
Cướp biển mà bà cô ruột tôi cho
tôi. Tôi đã biết sắp thứ nào vào thứ ấy, số nhỏ, số đầu nằm dưới, số mới nằm
trên, cực kỳ có thứ tự. Về sách thì tôi rất thích sách của các tác giả như Lê
Văn Trương, Ngọc Giao, Tô Hoài, Vũ Bằng, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh,
Khái Hưng, Thế Lữ, Trần Tiêu, Phạm Cao Củng, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thâm Tâm vv…
Khoảng hai năm sau, khi tôi lên
mười, cái rương đã đầy ắp và cha tôi đã mua cho tôi một cái tủ để riêng trong
căn phòng nho nhỏ xinh xinh của tôi, trong khi ba tôi và chú tôi thì có hai tủ
sách to đùng để ngay nơi phòng khách cũng to đùng của họ. Hai tủ này một tủ
đựng toàn sách bằng tiếng Pháp, loại sách dùng làm phần thưởng, bìa cứng, cạnh
mạ vàng cực đẹp. Còn tủ thứ nhì thì toàn sách báo tiếng Việt, nhưng cha và chú
tôi chưa cho tôi đọc và bảo phải chờ vài năm nữa mới được đọc.
Vì tôi được học trường tây
(Henri Rivière, cạnh Bưu Điện Hải Phòng) từ lớp enfantin (tương đương với lớp
mẫu giáo) rồi sau lại được học Trường Thày Dòng nên 14 tuổi tôi đã biết chút ít
tiếng tây, và đã biết tìm đến các loại báo ảnh tuyệt vời của Pháp như Tarzan,
Zorro, Vaillant, Intrépide vv…
Năm 16, tôi đã có thể đọc được
các loại sách cho thanh thiếu niên của Pháp như Biliothèque Verte, Livre Rose,
Aventure vv…
Và rồi cha tôi đã cho phép tôi
được đọc các sách trong hai tủ của cha và chú tôi. Kể từ lúc đó tôi thật sự bơi
lội, nhào lộn, vùng vẫy trong bể sách của nhân loại.
ĐẾN
VỚI SÁCH CỔ
Tôi bắt đầu để ý tới cổ thư kỳ
thư và bắt đầu tìm hiểu về các sách đó rồi bắt đầu tìm mua chúng, bắt đầu lục
lọi các tiệm sách cũ. Tôi còn tra cứu các sách Pháp như cuốn Quid (cuồn đầu
tiên ra năm 1957) để biết về giá trị đích thực của cổ thư Pháp, ví dụ như loại
sách do các danh họa minh họa (Livres modernes de peintres), mỗi cuốn được bán
đấu giá cả chục ngàn Euros, rồi những cuốn sách Pháp của các thế kỷ 19,
18, 17, 16, càng cổ càng quý, rồi tới loại sách của thế kỷ 15 của những năm
1400 khi Ngành In mới được phát minh bởi Gutenberg, với cuốn Kinh Thánh 42 dòng
in năm 1455. Tóm lại tất cả những sách của những năm thuộc thế kỷ thứ 15, vào
thời kỳ nghề in mới được phát minh, đều là cực quý, cực hiếm, cực mắc. Sau khi
tìm hiểu tôi được biết là có tất cả khoảng 40.000 lần xuất bản, mỗi lần trung
bình 500 bản, tổng cộng khoảng 20 triệu cuốn mà 45% là sách đạo (tôn giáo), 10%
sách khoa học, 10% sách luật, 30% sách văn học, và 77% các cuốn sách này bằng
tiếng La Tinh, chỉ có độ 4, 5% bằng tiếng Pháp. Sau 6 thế kỷ, tìm được vài cuốn
trong số 20 triệu cuốn đó cũng đã là một điều cực khó, phải có cơ duyên mới gặp
được chúng. Cả đời chơi sách của tôi chỉ sưu tập được có khoảng 500 cuốn của
thế kỷ thứ 19 và tiền bán thế kỷ thứ 20, cộng với vài cuốn của thế kỷ 17 và 16,
mà trong những lúc hơi bị túng thiếu, tôi đã đành phải chia tay với chúng. Ngay
lúc này 500 cuốn sách của tôi đã không CÒN DÍNH DẤP GÌ TỚI CÔNG ƯỚC BERNE VỀ
BẢN QUYỀN, AI CÓ TRONG TAY CHỈ VIỆC KHAI THÁC CHẲNG PHẢI XIN PHÉP XIN PHIẾC GÌ
NỮA…
Về sách tiếng Việt thì tôi đã
có được một sưu tập kiếm hiệp gần 80 chục bộ, nhưng sau bị ông bạn thân là ông
Khai Trí Nguyễn Hùng Trương xin mua lại, và vào những năm 80, do phân vân giữa
đi và ở, tôi đã nhường cho ông ấy, sau khi đã đọc coi như chẳng để lọt cuốn
nào, và còn nhớ như in mấy bộ lớn nhất và hay nhất như Bồng Lai Hiệp Khách,
Giao Trì Hiệp Nữ, Âm Thanh Kiếm, Côn Lôn Tiểu Khách, Hoàng Giang Nữ Hiệp, Không
Thanh Sư Tổ, Xich Huyết Kiếm, Long Hình Quái Khách vv… Hiện nay thì tôi còn một
vài cuốn in bằng giấy bổi, có chữ ký và thủ bút của các tác giả và khoảng 200
cuốn sách trước và sau Giải Phóng mà tôi được các tác giả đề tặng, và một sưu
tập Kiểu đựng đầy một cái tủ cỡ 1.40 x 1.60… Nếu muốn kể các chuyến đi gần, đi
xa của tôi để … tầm quý thư thì phải mất cả trăm trang giấy mới hết, và nếu
muốn kể về những trường hợp buồn vui qua đó các quý thư, các Nàng Sách như tôi
thường gọi các sách đó, đã đến với tôi như thế nào thì cũng phải mất cả trăm
trang giấy khác (Tôi cũng đang trên đường hoàn tất Hồi Ký 60 năm Chơi Sách, và
tôi tự nhủ sẽ hoàn tất cho bằng được trước ngày… đi hành hiệp!) Tóm lại sau 60
năm tôi vẫn yêu sách y như ngày đầu khi gặp cuốn Lên Tám cha tôi cho, và
vì nhờ yêu sách, tôi đã đi vào một lãnh vực khác liên quan tới sách, giúp
tôi có chút công để sau này kể với Mẹ Âu Cơ của tôi mà tôi yêu không kém Mẹ
tôi.
ĐẾN
VỚI VIỆC DỊCH SÁCH VĂN HỌC
Từ năm 1975 tới 1992, tôi không
đi dậy học như các bạn tôi mà sinh sống bằng nghề dịch tài liệu ra ngoại ngữ
(chủ yếu là tiếng Anh, chỉ năm chừng mười họa mới dịch tiếng Pháp). Nhờ dịch
khá tốt nên tôi sống thoải mái không phải ngửa tay xin tiền “mấy đứa Mỹ bất đắc
dĩ” con của ba bà xã của tôi đều đã di tản qua Mỹ, và bà Đệ Nhất và Đệ Tam đã
về… Bển, chỉ còn bà Đệ Nhị là còn tại thế. Năm 1992, tôi được hai vị bạn rất
thân và tốt là Quý Ông Lê Ngộ Châu, Chủ nhiệm tờ Bách Khoa nổi tiếng và Nhà Văn
Dịch Giả Trần Phong Giao khuyên tôi nên bỏ việc dịch các tài liệu, hợp đồng vv…
(vì các thứ này chỉ một thời gian sau là đi xọt rác) và quay sang dịch sách Văn
Học để để lại những dứa con tinh thần cho đời và để sau này có công kể với Mẹ
Âu Cơ. Tôi nghe lời khuyên của hai vị và bắt đầu bằng việc dịch một cuốn sách
thuộc dạng nghiên cứu của hai cụ Huard và Durand là cuốn “Hiểu Biết Việt Nam”
(Connaissance du Vietnam) bằng Pháp văn sang Anh văn. Tôi làm xong cuốn sách
trong vòng ba tháng vì, đơn giản là dịch từ Pháp sang Anh vô cùng dễ, nhất là
với văn phong trong sáng của hai vị thành viên Trường Viễn Đông Bác Cổ, mà tôi
đã nêu tên ở trên. Cuốn sách đã được in và tái bản hai lần, nhưng đến nay cũng
đã tuyệt bản, và khi mới xuất bản và được phổ biến lần thứ nhất vào năm 1992,
giá sách chỉ là 75.000 đồng, nhưng nay muốn kiếm được một cuốn người mua phải
chi từ 5 tới 6 trăm ngàn, và ở nước ngoài giá cuốn này đã lên tới trên 100 Mỹ
kim. Sau khi dịch xong cuốn sách nói trên, tôi được nhiều người biết đến và kết
quả là từ năm 1992 tới nay tôi đã dịch được tổng cộng 20 cuốn trong đó có một
bộ 5 cuốn sắp được in, và 16 tác phẩm đã được in và phổ biến trong đó có tập
thơ Bốn Mùa của nhà thơ Trần Nhuận Minh dày tới trên 8 trăm trang… Một điều
đáng nói là tất cả các tác phẩm dịch thuật của tôi đều “Thuần Việt”, không hề
có hơi hướm anh tây chị mẽo nào, và cũng không hề có ai hiệu đính hiệu điếc gì
cả. Còn về mặt viết lách thì tôi chì có một tác phẩm duy nhất, một truyện tình
mang tựa đề là “Hảo Mộng” do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2009. Vì không
phải là người tham lam, nên nay khi đã mới “hết hai mươi tuổi có lần thứ tư”,
tôi cảm thấy mình đã đóng góp quá đủ và đã có chút công để kể với Mẹ Âu Cơ, nên
đã quyết định giã từ việc dịch sách, để dành những năm tháng còn lại cho thú
vui đọc những cuốn sách tôi yêu thích mà chưa có thì giờ đọc.
LO
TÌM NGƯỜI KẾ NGHIỆP
Tôi có một số con và cháu là
“Mỹ bất đắc dĩ” nên họ đều ở Mỹ, và không có một ai trong số họ chú tâm tới
chơi sách, yêu sách, và khi tôi ngỏ ý muốn để lại sách cho họ thì tất cả đều từ
chối, và cho biết là cần sách gì họ chỉ cần lấy từ trên mạng xuống…
Thế là tôi cũng đang lâm vào
hoàn cảnh của rất nhiều người chơi sách, yêu sách mà không có người nối nghiệp.
Tôi đã chứng kiến tận mắt ngày tàn của biết bao tủ sách của những người yêu
sách, chơi sách. Tôi đã thỉnh thoảng lại mua được ở các tiệm sách cũ những cuốn
sách có chữ ký của ông cụ Vương Hồng Sển, và nhiều cuốn sách có dấu triện son
của người chơi.
Khác với họ, tôi không giữ sách
cho tới lúc ra đi rồi phó thác vận mệnh của sách cho may rủi. May thì được gặp
người biết trân quý sách, không may thì gặp anh trọc phú chỉ biết nhốt vào tủ
để trưng, đâu có khác chi thân phận cung nữ bị nhốt ở lãnh cung. Và có một điều
chắc như bắp là các tủ sách không người nối nghiệp đều bị phân chia tứ tán,
khiến cho những cuốn sách đã từng ở bên nhau cả vài thập kỷ nay dành chịu cảnh
chia ly cách biệt!
Những sách tôi đã mua đều là
những cuốn tôi cảm thấy ưa thích, không phải bạ sách chi cũng mua. Tôi đã từng
mua cả tủ sách của người này người nọ, nhưng những trường hợp đó tôi cũng chỉ
lựa ra tất cả những cuốn tôi yêu thích và bán tống bán tháo những cuốn không
được chọn lựa.
Hiện nay tôi đang lo tìm người
thích hợp (không nhất thiết phải là người thật giàu có) nghĩa là người biết
trân quý, yêu sách, xử dụng sách như tôi để nhường lại một sưu tập Kiều để đầy
một cái tủ 1m40 x 1m60 chiều cao, gồm khoảng 100 cuốn Kiều trong đó có 30 cuốn
thời chế độ cũ và thời tiền chiến, gần 300 cuốn và bộ sách thuộc đủ lãnh vực có
chứa đựng tài liệu về Kiều và Cụ Nguyễn Du, và khoảng 1000 thứ báo kim cổ (phần
lớn là kim) có chứa đựng các bài viết , hình ảnh về Kiều.
Tôi cũng đang lo tìm người hoặc
tổ chức nào biết khai thác 500 cuốn sách cổ hồi thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20
(tất cả đã thành của chung, không còn dinh dấp gì tới Công Ước Berne về bản
quyền, ai có trong tay cứ việc toàn quyền khai thác.)
Tôi đã có được những sách đó
bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt, đã vui sống với những sách đó trong 6 thập kỷ,
bây giờ trước lúc đi hành hiệp (mặc dù cũng còn khá lâu theo ý muốn của các Mẫu
Hậu của tôi), tôi cảm thấy cần phải nghĩ tới việc lo cho những cuốn sách thân
yêu của tôi một tương lai ấm áp an toàn, ít ra cũng phải bằng những ngày chúng
đã cùng tôi chung sống trong quá khứ…
Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương
VI
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Sài Gòn ngày 21.8.2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi
Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét