Hàng rong Mỹ Tho xưa – Tản văn Kha Tiệm Ly
Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014
Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm. Hàng rong là những món hàng mà người bán phài gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi.. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”. ...
Thông tin
liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Kha Tiệm Ly
Địa
chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, P2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang
ĐT: a/. 0987
701 952 – b/. 01229 880 310
Email: khatiemly@gmail.com
_____
HÀNG RONG MỸ THO XƯA
Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm.
Hàng rong là những món hàng mà người bán phài gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi.. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.
Đặc biệt của hàng rong là người bán phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là một tín hiệu cho người có nhu cầu … ăn uống biết là món mình khoái khẩu đã tới, mà còn đánh thức tuyến nước bọt của người nghe. Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giong lảnh lót kéo dài: “ Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát ….ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn … tàu hủ… ho…ong?”, thì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy!
Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ còn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng, hay hai thanh tre gõ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!....” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gõ”! Dù vậy, hiệu quả của nó không vì vậy mà suy suyễn!
Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; còn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong thì hàng rong không có đất dụng võ!
Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phại ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.
Trước công viên Dân Chủ (nay là Cung Thiếu Nhi) có nhiều xe … “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diên tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau nầy mới biết chúng được ngâm vào đường hóa học và chút màu). Đây là món hàng đắc khách nhất đối với đám học sinh chúng tôi: Cầm môt trái cóc được “tách bông” hay một một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gởi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má! Thú vị hơn là được tận mắt nhìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đòi “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài!
Khu vực chợ Mỹ tho thì có “chí mà phủ” (chè mè đen) của thím Xẩm. Thiếm thư thả gánh một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí … mè … phu… u…”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh! Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đã từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan!
Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm lòng cho đậu (đặng)”, vì mút một cái thì vị béo ngậy của nước cốt dừa, đâu xanh, hòa với hương thơm của “sầu riêng thiệt” (không phải hương sầu riêng) nó thấm tới từng kẽ răng, ê rần hai má! Có thể nói đến giờ nầy không có hãng cà rem nào “qua” được! Người bán cà rem thì nhiều, nhưng không ai có thề quên hình ảnh “ông Tiều” dáng luộm thuộm với thùng cà rem vai mang vừa rung chuông vừa lập đi lập lại câu “rao” độc đáo: “Cà lem cục cục – sàu dieng – cà lem cục cục / cà lem cục cục - sàu diêng – cà lem cục cục”
“Pò Pín” – không hiểu là gì - nhưng đó là những món bán cũng của một “ông Tiều” được đựng trong một cái khai cây đeo trước ngực, nó gồm khô bò, mè xửng và cổ vịt (một loại kẹo). Tiếng rao của ông chủ yếu là tiếng “xấp” kéo liên tục. “Pò Pín, Pò Pín” chỉ được “rao”, khi ông … mỏi tay mà thôi!
Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại! Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” rọc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đã đến mức thượng thừa! Loáng một cái là xong! Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đã trải qua ba đời mà vẫn còn tồn tại!
Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống “tự biên tự diễn”; chiêu câu khách của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tròn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 thì được thì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 thì chung được hai tấc, nhưng kẹo lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).
Một nhân vật độc đáo lá “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cỗng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và vườn hoa Lạc Hồng. Đến nay đã hơn năm mươi năm mà vẫn thấy anh còn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn, và tóc đã đổi màu trắng toát!
Cứ khoảng năm giờ sáng, người ta đều thấy đội quân bán bánh mì với chiếc xe đạp và cần xé được ràng rịt cẩn thận ở bên sau tụ tập trước lò bánh mì Quảng Tường - đường vào chợ Mỹ Tho, gẩn HTX mua bán Phường 1 bây giờ - để lấy bánh. Họ đủ thành phần, trong đó có những học sinh “quần xanh áo trắng” với mặt mày hiền hậu dễ thương. Từ đó, họ túa đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với tiếng rao không kém phần chuyên nghiệp: “ bánh – mì – nóng – do… ò… n… đâ … ây…”
Nói bán hàng rong Mỹ tho xưa mà không kể đến “Tầu phộng dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cài rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ thì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động lòng mà mua giùm bà vài gói! Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi! Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao : “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm!
Có ba nghề “rong” dù không được liệt vào hàng thức phẩm, nhưng nó quá “nổi tiếng”; người viết mạn phép cho chúng được có tên vào… “bảng phong thần”; đó là tiếng “lung tung, lung tung…” của chú nhuộm dạo và tiếng rao lảnh lót của bà Hai quê ở Thạnh Phú (Bến Tre): “Xỏ…ỏ…lổ tai… đeo bông liền, ho… o… ng!” với ông già vai vác một băng bằng cây với hai chân trước ngắn hơn hai chân sau: “Mài kéo! Mài dao!”
Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thế nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyền xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đã hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Môt sô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa! Kế đó là chuyện chế biền vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đã nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phồ mất vẻ mỹ quan.
Có nhiều ý kiến là cho hay cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và cuối cùng vẫn là quyết định của chánh quyền. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đã nuôi sống cho nhiều gia đình, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; và cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hoặc hơn thế nữa; như kẻ viết bài nầy.
Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm.
Hàng rong là những món hàng mà người bán phài gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi.. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.
Đặc biệt của hàng rong là người bán phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là một tín hiệu cho người có nhu cầu … ăn uống biết là món mình khoái khẩu đã tới, mà còn đánh thức tuyến nước bọt của người nghe. Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giong lảnh lót kéo dài: “ Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát ….ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn … tàu hủ… ho…ong?”, thì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy!
Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ còn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng, hay hai thanh tre gõ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!....” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gõ”! Dù vậy, hiệu quả của nó không vì vậy mà suy suyễn!
Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; còn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong thì hàng rong không có đất dụng võ!
Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phại ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.
Trước công viên Dân Chủ (nay là Cung Thiếu Nhi) có nhiều xe … “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diên tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau nầy mới biết chúng được ngâm vào đường hóa học và chút màu). Đây là món hàng đắc khách nhất đối với đám học sinh chúng tôi: Cầm môt trái cóc được “tách bông” hay một một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gởi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má! Thú vị hơn là được tận mắt nhìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đòi “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài!
Khu vực chợ Mỹ tho thì có “chí mà phủ” (chè mè đen) của thím Xẩm. Thiếm thư thả gánh một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí … mè … phu… u…”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh! Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đã từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan!
Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm lòng cho đậu (đặng)”, vì mút một cái thì vị béo ngậy của nước cốt dừa, đâu xanh, hòa với hương thơm của “sầu riêng thiệt” (không phải hương sầu riêng) nó thấm tới từng kẽ răng, ê rần hai má! Có thể nói đến giờ nầy không có hãng cà rem nào “qua” được! Người bán cà rem thì nhiều, nhưng không ai có thề quên hình ảnh “ông Tiều” dáng luộm thuộm với thùng cà rem vai mang vừa rung chuông vừa lập đi lập lại câu “rao” độc đáo: “Cà lem cục cục – sàu dieng – cà lem cục cục / cà lem cục cục - sàu diêng – cà lem cục cục”
“Pò Pín” – không hiểu là gì - nhưng đó là những món bán cũng của một “ông Tiều” được đựng trong một cái khai cây đeo trước ngực, nó gồm khô bò, mè xửng và cổ vịt (một loại kẹo). Tiếng rao của ông chủ yếu là tiếng “xấp” kéo liên tục. “Pò Pín, Pò Pín” chỉ được “rao”, khi ông … mỏi tay mà thôi!
Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại! Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” rọc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đã đến mức thượng thừa! Loáng một cái là xong! Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đã trải qua ba đời mà vẫn còn tồn tại!
Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống “tự biên tự diễn”; chiêu câu khách của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tròn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 thì được thì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 thì chung được hai tấc, nhưng kẹo lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).
Một nhân vật độc đáo lá “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cỗng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và vườn hoa Lạc Hồng. Đến nay đã hơn năm mươi năm mà vẫn thấy anh còn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn, và tóc đã đổi màu trắng toát!
Cứ khoảng năm giờ sáng, người ta đều thấy đội quân bán bánh mì với chiếc xe đạp và cần xé được ràng rịt cẩn thận ở bên sau tụ tập trước lò bánh mì Quảng Tường - đường vào chợ Mỹ Tho, gẩn HTX mua bán Phường 1 bây giờ - để lấy bánh. Họ đủ thành phần, trong đó có những học sinh “quần xanh áo trắng” với mặt mày hiền hậu dễ thương. Từ đó, họ túa đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với tiếng rao không kém phần chuyên nghiệp: “ bánh – mì – nóng – do… ò… n… đâ … ây…”
Nói bán hàng rong Mỹ tho xưa mà không kể đến “Tầu phộng dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cài rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ thì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động lòng mà mua giùm bà vài gói! Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi! Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao : “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm!
Có ba nghề “rong” dù không được liệt vào hàng thức phẩm, nhưng nó quá “nổi tiếng”; người viết mạn phép cho chúng được có tên vào… “bảng phong thần”; đó là tiếng “lung tung, lung tung…” của chú nhuộm dạo và tiếng rao lảnh lót của bà Hai quê ở Thạnh Phú (Bến Tre): “Xỏ…ỏ…lổ tai… đeo bông liền, ho… o… ng!” với ông già vai vác một băng bằng cây với hai chân trước ngắn hơn hai chân sau: “Mài kéo! Mài dao!”
Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thế nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyền xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đã hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Môt sô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa! Kế đó là chuyện chế biền vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đã nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phồ mất vẻ mỹ quan.
Có nhiều ý kiến là cho hay cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và cuối cùng vẫn là quyết định của chánh quyền. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đã nuôi sống cho nhiều gia đình, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; và cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hoặc hơn thế nữa; như kẻ viết bài nầy.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Mỹ Tho ngày 19.8.2014
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét