Home
» Thư viện văn xuôi
» Chợt thấy Hồ Xuân Hương & Lê Chiêu Thống/ Nhất chi mai/ Và mỗi lần Noél đến– Tản văn Phan Trang Hy (Đà Nẵng)
Chợt thấy Hồ Xuân Hương & Lê Chiêu Thống/ Nhất chi mai/ Và mỗi lần Noél đến– Tản văn Phan Trang Hy (Đà Nẵng)
Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014
Tết năm nay nghỉ nhiều hơn mọi năm. Vui thật, nhưng cũng có chút bâng khuâng. Khi đánh vi tính cho bài viết này, tôi nghĩ lại những ngày giáp Tết. Đối với tôi, thời gian ấy, công việc quả là bận rộn. Nào là lo nốt những chuyện chưa xong trong năm, nào là dọn dẹp lại nhà cửa, quét dọn rác rưởi cả năm... để đón xuân. Thế nhưng, vẫn có chuyện chưa xong. Lòng tự nhủ lòng thôi thì để rồi sẽ tính. Được nhất, thú vị nhất là giờ phút giao thừa. Ngày thường, vì chuyện này chuyện nọ, dù là người mình yêu thương nhất, đôi lúc cũng có tiếng qua tiếng lại, vẫn có những ý kiến trái ngược nhau,
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Phan Trang Hy
Sinh
năm 1956
Quê:
Đại Lộc, Quảng Nam
Hiện
ở Đà Nẵng
ĐT:
0935484482
Email: phantranghy@gmail.com
_____
CHỢT THẤY HỒ XUÂN
HƯƠNG
VÀ LÊ CHIÊU THỐNG
Tết năm nay nghỉ nhiều hơn
mọi năm. Vui thật, nhưng cũng có chút bâng khuâng. Khi đánh vi tính cho bài
viết này, tôi nghĩ lại những ngày giáp Tết. Đối với tôi, thời gian ấy, công
việc quả là bận rộn. Nào là lo nốt những chuyện chưa xong trong năm, nào là dọn
dẹp lại nhà cửa, quét dọn rác rưởi cả năm... để đón xuân. Thế nhưng, vẫn có
chuyện chưa xong. Lòng tự nhủ lòng thôi thì để rồi sẽ tính.
Được nhất, thú vị nhất là
giờ phút giao thừa. Ngày thường, vì chuyện này chuyện nọ, dù là người mình yêu
thương nhất, đôi lúc cũng có tiếng qua tiếng lại, vẫn có những ý kiến trái
ngược nhau, đôi lúc bực mình, tức tối. Nhưng đến phút Giao thừa, các thành viên
trong gia đình tôi, không ai bảo ai, tự răn mình, đối đãi tử tế, tình cảm, và
tôn trọng nhau. Sau khi cúng Giao thừa xong, các thành viên trong gia đình tôi
ngồi quanh bàn uống trà, ăn bánh, mứt... Rồi lì xì mừng tuổi, chúc nhau những
lời tốt đẹp cho cả năm.
Sau đó, tôi chở vợ, cùng
con đi chùa. Vài năm gần đây, chiều theo ý vợ, tôi cũng thành tâm khi đến chùa.
Giờ phút đầu năm quả là tuyệt diệu. Cảnh chùa khói hương nghi ngút. Đông người
thật. Nhưng không ai chen lấn ai. Trước sân chùa, có một cây cảnh vừa tầm, trên
mình nó mang những lời chúc Tết, cầu may được ghi sẵn, gọi là "lộc xuân”.
Rất nhiều, đủ để mọi người đi chùa lễ Phật có thể "hái lộc” đầu năm.
Rất nhiều "lộc”.
Không biết có phải đó là "lộc” bằng giấy, nên chẳng có ai tranh giành, cướp
giựt? Chỉ có sự nhường nhau, rất lịch sự, tử tế. Chỉ có lời chúc nhau, cùng
những cái gật đầu, bắt tay dù người đối diện chẳng mấy thân quen. Lòng tôi dâng
lên niềm vui. Ước gì cả năm mọi người lịch sự, tử tế với nhau!
Rồi những ngày Tết cũng
sắp hết. Sáng nay, gỡ tờ lịch. Đúng ngày mùng 5. Nhớ lại trước đây, khi còn đi
học, ngày này được nghỉ lễ. Không phải là lễ Tết mà là lễ Chiến thắng Đống Đa.
Nhưng năm nay tôi chẳng thấy ghi. Trước mắt tôi, tờ lịch nhòe đi, hiện lên hình
ảnh Lê Chiêu Thống đang cười mỉa tôi, đang nhạo báng, thách thức tôi. Tôi
giương to mắt nhìn. Xem mình có nhầm không. Trong đầu tôi hiện ý của ai đó nói
là thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả. Nhưng thời gian dễ gì xóa nhòa lịch sử.
Không lẽ thời gian lại hiện lên gương mặt kẻ rước voi về giày mã tổ trên
tờ lịch, trên thời gian. Tôi buồn. Đâu rồi hình ảnh Quang Trung đại phá
quân Thanh? Đâu rồi tiếng hò reo thắng lợi giữa Thăng Long? Đâu rồi? Đâu
rồi?...
Sáng nay, ăn nốt những lát
bánh tét cuối cùng. Nhai lát bánh chiên, tôi thoáng thấy hình ảnh quân Tây Sơn
hành binh ra Tam Điệp, rồi thoáng thấy bữa ăn vội của họ trước trận đánh Ngọc
Hồi - Đống Đa. Tôi cũng thoáng thấy hình ảnh các chiến sĩ Hoàng Sa năm nào chưa
kịp ăn miếng bánh tét, lại phải đổ máu hy sinh vì nước, vì non. Và trước mắt
tôi hình ảnh những người chiến sĩ Trường Sa ăn bánh tét, canh giữ biển trời
nước Việt. Ngàn lần biết ơn các anh. Tôi phải gọi thế dù đầu tôi đã bạc! Tôi
xin các anh có một chút yên bình để nhâm nhi chút trà, chút mứt... Xin các anh
đừng ăn vội bánh tét ngày xuân. Xin các anh cứ thư thả hưởng hương vị quê nhà
qua từng thời khắc...
Có tiếng điện thoại reo
vừa lúc tôi ăn sáng xong. Tôi vội nghe. Thằng bạn thân gọi tôi đi uống cà phê
sáng. Rửa miệng, rửa tay xong, tôi đến chỗ hẹn.
Vẫn còn không khí xuân.
Ngồi uống cà phê, nhìn trai gái du xuân, tôi mừng cho những buổi sáng yên bình.
Không biết có còn ai không được hưởng vẹn cái tết bên người thân? Không biết có
còn ai không được vui xuân trọn vẹn?
Trong tôi rộn lên âm thanh
mùa xuân. Trước mắt tôi hiện lên sắc màu xuân của dáng vẻ trai gai du xuân. Đặc
biệt các cô gái. Các cô đang tinh nghịch, đang chỉ trỏ ai đó. Tôi như thấy bóng
dáng Hồ Xuân Hương cùng các cô gái du xuân. Tôi thấy rất rõ các cô tủm tỉm
cười, ánh mắt tinh nghịch, đang chỉ trỏ... Và tiếng thơ Hồ Xuân Hương bỡn cợt: Ghé
mắt trông ngang thấy bảng treo – Kìa đền Thái thú đứng cheo leo... Và rồi
điệp khúc đứng cheo leo lại vang lên. Các cô vừa nắm tay nhau vừa hát đứng
cheo leo liên tục, đến nỗi tượng Sầm Nghi Đống phải đổ quỵ. Có lẽ Thái thú
họ Sầm xấu hổ! Ai đời nam nhi lại bị nữ nhi chọc ghẹo là thứ đứng cheo
leo? Có đòn nào làm bẻ mặt anh hùng hơn thế? Tôi phục ngàn lần Hồ Xuân
Hương và các cô gái!
Rồi hình ảnh Hồ Xuân Hương
cùng các cô gái biến mất trước mắt tôi. Tôi trở về thực tại.
Hôm nay ngày mùng 5 Tết âm
lịch. Chiến thắng Đống Đa đâu rồi? Không lẽ Lê Chiêu Thống cùng bọn quân Thanh
có phép xóa nhòa lịch sử?
Mùng 5 Tết Nhâm Thìn
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
ĐT: 0935484482
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại ngày
09.8.2014
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Đà Nẵng ngày 27.01.2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NHẤT CHI MAI- CHẤT
NGƯỜI MUÔN THUỞ
Người, cũng là muôn loài
trong cái thế giới ta bà, vẫn mang tứ khổ của cuộc đời, vẫn phải chịu bao cảnh
trầm luân, vẫn phải nỗ lực tu tập để thoát khỏi luân hồi. Tôi cũng thế. Có lúc
tôi chịu đớn đau, chịu bao phiền não. Tôi nào thoát được chốn trần gian đầy khổ
ải.
Đôi khi, vì cớ này cớ nọ,
tôi tìm đọc những vần thơ Thiền. Và tôi bắt gặp bài kệ Cáo tật thị chúng (Có
bệnh bảo mọi người) của Thiền Sư Mãn Giác (1052 – 1096):
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân ruỗi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
(Ngô
Tất Tố dịch)
Thơ Văn Lý – Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1977
Thiền sư nhìn sự vật trôi, với tâm định, định đến vô cùng, hòa nhập với chân như, nên tâm Ông rung lên tiếng thơ lòng thiền. Trước tự nhiên, tâm tự nhiên theo. Ông an nhiên theo vòng sinh hóa vũ trụ:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Tự nhiên là vậy. Xuân
khứ rồi xuân đáo, hoa lạc rồi hoa khai. Có phải đó là
quy luật sinh hóa? Có phải đó là quy luật thời gian?
Nói về mùa xuân là để nói
đến tứ mùa. Thời gian cứ trôi, kiếp làm người cũng như muôn loài phải mang
chuyện sinh tử, phải chứng kiến những sự đời trôi qua trước mắt: Sự trục
nhãn tiền quá. Sự đời trôi theo thời gian, mà thời gian lại trôi theo tâm, bởi
tâm là con mắt huệ- mắt thiền. Đời trôi mà tâm định là cớ làm sao?
Nhưng, làm người cũng có
thể tâm định kia mà!
Tâm định, nhưng thời gian
vẫn cứ trôi. Và thế là cái lão vẫn cứ đến với con người.
Đó là sự nghiệt ngã của tự
nhiên dành cho con người. Cái già từ từ đến trên đầu: Lão tòng đầu thượng
lai. Đọc câu thơ, tôi bỗng nhận ra một điều: trên đầu tôi tóc đã hóa trắng. Tôi
đang đến già. Già vì biết, vì khổ não, phiền trược. Tôi già theo thời gian...
Thời gian của vũ trụ, của
ánh sáng thì vô cùng. Thời gian của đời người thì có hạn. Tôi nghe có ai đó nói
bên tai tôi là, chỉ có vượt cái có hạn đế đến cái vô cùng mới có thể vượt qua
vòng luân hồi của tử sinh - sinh tử.
Và trong tôi như thấy giờ
phút sắp viên tịch, chất thiền của Mãn Giác Thiền sư tỏa sáng bên các đệ tử:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dẫu hoa tàn khi xuân hết.
Nhưng sức sống của thiên nhiên vẫn mãnh liệt. Trong cái tàn của hoa xuân lại ẩn
hiện mầm sống của đất trời qua hình ảnh nhất chi mai. Thiền sư không nói
hoa nở trước sân, nhưng tâm cảm một cành mai đang hấp thụ, chắt lọc tinh túy
của đất trời để tồn tại trên cõi đời này. Cùng sự đồng cảm với Mãn Giác, Thiền
sư Chân Không (1046 – 1100) nói về Diệu Đạo: Xuân lai xuân khứ nghi xuân
tận. Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân (Tạm dịch: Xuân đến xuân đi tưởng xuân
hết. Hoa tàn hoa nở vẫn hoàn xuân).
Tất cả cũng chỉ là sự sinh
hóa của vũ trụ, sự tuần hoàn của Đại Ngã. Cảm nhận sự tuần hoàn ấy, hồn thơ của
Mãn Giác đã định trước đổi thay, trước luân hồi của vạn vật. Không còn tứ khổ
khi Nhà thơ Thiền mang bệnh lại nói nhất chi mai. Bởi vì Thiền sư đã an
nhiên cái lẽ thường tình sinh tử: Sinh lão bệnh tử- Tự cổ thường nhiên (Diệu
Nhân, 1041 – 1113).
Cả bài kệ đầy chất thơ,
từng câu từ đầu đến cuối đều có ý niệm thời gian. Tác giả dùng thời gian như là
qui luật mà con người phải nhận lấy để làm Người, để khẳng định sự tồn tại của chất
Người - nhất chi mai. Quả thật, ở Thiền sư, thời gian tịnh đến độ như không có
gì để nói, như bản ngã người hòa với Đại Ngã Tự nhiên, như chân như của người,
của Phật.
Đọc Cáo tật thị chúng của
Mãn Giác Thiền sư trong thời buổi này, tôi vẫn thấy nhất chi mai theo
thời gian hấp thụ tinh khí thần của Nhật - Nguyệt - Tinh Đại Ngã để thành
Người.
Mừng Xuân Nhâm Thìn – 2012
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
ĐT: 0935484482
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại ngày
09.8.2014
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Đà Nẵng ngày 08.01.2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
VÀ MỖI LẦN NOÉL ĐẾN
Cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12, cái lạnh bắt đầu thấm trên
từng cây lá, thấm vào những bàn tay, vào những nụ cười, tôi nghe được cái lạnh
qua lời nói của mọi người: "Gần đến Noél rồi!”. Và tôi nghĩ về mùa Giáng
Sinh với những cây thông gắn những món quà xinh xắn, nghĩ về truyện "Cô bé
bán diêm” của Anđecxen. Tôi cảm thấy mình còn may mắn được sống trong sự đủ
dùng như theo lời nguyện của người Kitô trước những bữa ăn. Dẫu tôi không theo
đạo nào, nhưng tôi vẫn tin có cái Đại Ngã Vô thường tồn tại cùng cái Tiểu Ngã
của tôi.
Nhớ năm học 1973 – 1974,
tôi học lớp 12B3 trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tôi được học triết do thầy
Hiền dạy. Dù tôi học ban B, thế nhưng cũng nhờ những khái niệm cơ bản về triết
học, tôi nhìn nhận sự vật không chỉ duy tâm hoặc duy vật, duy lý hoặc duy tình.
Môn triết là môn có thể là sở trường của tôi. Có lần, trong một giờ học, tôi đã
giơ tay trình bày quan điểm non nớt, ngây ngô của mình trong giờ học: "
Thưa thầy, theo lý thuyết thì bất cứ vật chất nào cũng bị nóng chảy ở nhiệt độ
cao. Thế nhưng, mặt trời cũng là dạng vật chất, nóng đến hàng ngàn độ, nhưng
sao nó chỉ có nóng mà không chảy?”. Tôi nhớ thầy không trả lời cụ thể, mà chỉ
gợi cho tôi thấy rằng lý luận chỉ là lý luận. Cả thế giới vật chất này không
chỉ có vật chất thuần tuý mà còn có sức mạnh vạn năng nào đó đang điều hành cả
vũ trụ này. Lời thầy chỉ thoáng khơi gợi một điều gì đó trong tôi...
Và mỗi lần Noél đến, tôi
đều tự hỏi: Sao nhạc thánh có sức mạnh lôi cuốn, nhẹ nhàng, thánh khiết như
vậy? Sao tiếng chuông nhà thờ làm rung chuyển sự tỉnh thức của mỗi tâm hồn đến
vậy? Sao lời của Chúa hơn hai ngàn năm vẫn là sự thật? Tôi có dịp may là đọc
những lời trong Kinh thánh, nhất là phần Tân ước. Sao Chúa yêu thương con người
đến vậy, trong khi con người nhân danh con người lại mạt sát, bắt bớ, cầm tù,
đâm chém, hành hạ lẫn nhau? Sao Chúa bao dung đến vậy, trong khi con người vẫn
nuôi thù hận triền miên? Sao Chúa lại chữa lành những vết thương của người
bệnh, trong khi con người gieo rắt những mầm diệt chủng, diệt sự sống ở trần
gian này? Chúa vì ai mà yêu thương, bao dung, chữa lành con người? Vì ai? Vì
ai?...
Nghĩ đến Chúa, tôi lại
nghĩ đến Đacuyn. Theo Đacuyn thì có thể thuỷ tổ của loài người là loài
vượn-người. Nhưng mấy có ai, kể cả ông Đacuyn thờ vượn-người và gọi nó là ông
tổ? Đã là thuyết thì mãi là thuyết! Có ai cho mình là giòng giống thấp hèn? Có
ai cho mình là người dại? Có ai vẽ hình tượng vượn-người để thờ phụng đâu? Kiến
thức của tôi có hạn, như cái sống có hạn của tôi ở cõi trần này, tôi không biết
có tôn giáo nào, tín ngưỡng nào thờ vượn-người và tôn vinh nó không?
Và mỗi lần Noél đến, tôi
như thuộc lòng câu "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho
người thiện tâm” (có nơi cho là người thiện lương). Ngẫm đi ngẫm lại
lời ca ấy sao thực tình, thực tế, gần gũi với con người đến vậy. Chỉ cần câu
"Bình an dưới thế cho người thiện tâm” là thấy sướng cả bụng rồi! Cầu mong
cuộc đời này, người thiện tâm được an bình là quý rồi. Nhưng cuộc đời này,
chính con người đã gây ra bao tai hoạ, đã tự trút những cơn thịnh nộ của tham
sân si thì làm gì có sự an bình cho chính mình và cho người khác. Thật là buồn!
Buồn cho kiếp người không có bình an vì trót gây tội.
Nói đến tội, tôi cũng là
kẻ có tội ở trần gian này. Thấy cha mẹ già yếu mà không được chăm nom, phụng
dưỡng hằng ngày là có tội. Thấy anh em nghèo khó mà không giúp được, vì mình
chưa giúp được mình xong, cũng là tội. Thấy mình vì tiền mà chèn ép học trò đi
học thêm để mình tồn tại cũng là có tội. Thấy học trò không chăm học, không học
giỏi, cũng thấy mình có tội. Thấy con cái khổ cực mà chẳng giúp được, thấy con
cái lớn rồi mà chẳng có công ăn việc làm ổn định, cũng là tội. Thấy việc phải
mà không dám làm vì hèn, vì sợ cũng là tội. Cái tội nó đeo đuổi mình suốt kiếp!
Biết bao cái tội của kiếp
làm người. Nhiều lần, tôi làm điều gì sai trái, tôi cảm thấy mình cớ sao dại
những một giờ như vậy? Cớ sao có lúc giận hờn? Cố chấp? Biết bao điều để tôi
trở thành kẻ có tội ở thế gian này. Tôi lấy làm xấu hổ, ân hận vì những gì tôi
gây nên tội. Bất chợt, trong tôi hiện lên bao gương mặt của những cô gái bán
dâm nuôi miệng, đang lấy hai tay che mặt khi có người chụp ảnh, quay phim. Chắc
các cô còn xấu hổ. Tôi cũng bất chợt thấy bao gương mặt của những kẻ có quyền,
có thế khi gây nên tội vẫn nhơn nhơn cười đểu, lẻo mép chối tội như thách đố
với người thiện tâm. Những việc ấy, những con người ấy, báo chí đăng trên những
bản tin hằng ngày bên cạnh những tin tốt lành. Tin ác, tin dữ còn, tội đó do
ai?
Và Noél đến, bên tai tôi
vẳng lên khúc nhạc mừng Thiên Chúa xuống trần, làm người để chịu kiếp người ở
thế gian. Tôi như thấy cái chết của Thiên Chúa trong thân phận người mới làm
cho con người đến với ánh sáng, đến với sự bình an. Và khúc nhạc "Bình an
dưới thế cho người thiện tâm” cứ vang lên trong lòng tôi, như vỗ về tôi, an ủi
tôi những lúc tưởng như tôi bị sa ngã bởi bao ràng buộc ở cõi trần này.
Trong tôi cũng vẳng lên
lời bài hát như tránh móc, dỗi hờn của Trịnh Công Sơn: Chúa đã bỏ loài
người - Phật đã bỏ loài người... Thế nhưng, mỗi lần Noél đến, tôi nhẩm hát
theo những ca khúc Giáng Sinh. Tôi hát mà tin rằng Chúa Phật chẳng bỏ loài
người. Chúa Phật vì loài người mà đến với thế gian này, đến để người bình an,
để người được làm người thiện tâm, an bình dưới thế.
Tháng 12 – 2011
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
ĐT: 0935484482
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại ngày
09.8.2014
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Đà Nẵng ngày 23.4.2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét