Trang văn xuôi nhiều chủ đề của Hoàng Thảo Chi (TP Huế)
Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014
Hương
sắc tháng ba – Tản văn Hoàng Thảo Chi
Thứ
sáu - 14/03/2014 22:03
(Tặng
những người có ngày sinh trong tháng Ba) “Tháng Ba, rét nàng Bân”, chỉ với câu
này thôi, tháng Ba trong tôi, đã rưng rưng cảm xúc. Tháng Ba là cây cầu nối hai
bên bờ Xuân – Hạ. Tháng thơm lừng hương của những loài hoa: Hương đồng, gió
nội. Trước tiên là hoa chanh, hoa bưởi. Hai loại hoa này làm cho con người bay
bổng, sảng khoái diệu kỳ. Không có hương của bất kỳ loài hoa nào sánh được. Năm
mười bảy tuổi, tôi nhận được một lá thư viết bằng mực tím học trò, trên một
trang giấy mép cắt hình răng cưa. Trong ấy có bông hoa bưởi ép khô, nhưng hương
của nó vẫn tỏa ra thơm ngát. ...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
Địa
chỉ: 108 Phan Văn Trường TP Huế
Điện
thoại: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
HUƠNG SẮC THÁNG BA
(Tặng những người có ngày sinh trong tháng Ba)
“Tháng Ba, rét nàng Bân”,
chỉ với câu này thôi, tháng Ba trong tôi, đã rưng rưng cảm xúc.
Tháng Ba là cây cầu nối
hai bên bờ Xuân – Hạ. Tháng thơm lừng hương của những loài hoa: Hương đồng, gió
nội.
Trước tiên là hoa chanh,
hoa bưởi. Hai loại hoa này làm cho con người bay bổng, sảng khoái diệu kỳ.
Không có hương của bất kỳ loài hoa nào sánh được. Năm mười bảy tuổi, tôi nhận
được một lá thư viết bằng mực tím học trò, trên một trang giấy mép cắt hình
răng cưa. Trong ấy có bông hoa bưởi ép khô, nhưng hương của nó vẫn tỏa ra thơm
ngát. Mãi sau này tôi mới hiểu ra: Đó là lá thư tình đầu tiên mà tôi nhận được.
Màu hoa bưởi như màu nước mắt, khóc mối tình đầu, mãi mãi trắng, trong nỗi ân
hận vì sự ngây thơ, khờ dại của tôi thuở ấy.
Nếu màu trắng của hoa
bưởi, mang nỗi buồn tình yêu của tôi thuở đầu đời, thì hoa xoan lại nhuộm tím
tái tê, bao trái tim của những kẻ si tình khác:
Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay
Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
Chỉ trong con mắt của
những người đang yêu, thì mưa xuân mới “phơi phới” như thế. Và phải đợi chờ,
mong mỏi lắm lắm mới nhìn thấy hoa xoan “lớp lớp rụng vơi đầy” như vậy. Cứ
ngong ngóng chờ “hội chèo làng Đặng đi qua ngõ”, cho “Thôn Đoài hát tối nay”.
Để có cớ hai chúng mình gặp nhau, hẹn hò, thề ước. Màu tím hoa xoan không phải
màu tím Huế, nhưng là màu tím yêu thương đến nao lòng của cụ Nguyễn Bính… màu
tím tình yêu tháng Ba đấy... bạn ơi!
Tháng Ba không chỉ thầm
thì với những gam màu tình yêu dịu ngọt, tháng Ba còn có những màu hoa thắp lên
những khát vọng bay xa. Bạn đã ngắm nhìn cây gạo trổ bông trong tháng Ba, bao
giờ chưa? Tôi thì đã nhiều lần lắm rồi. Khi ra hoa, cây gạo gần như chẳng có
một cái lá nào. Tất cả những cành của nó rực lên những bông hoa màu lửa. Tôi
đứng lặng nhìn chúng, thấy lửa trên những bông hoa, dần dần truyền xuống cháy
bỏng dưới chân mình. Nỗi khát khao bay tới những chân trời mới bùng lên trong
tôi như ngọn đuốc. Và thật diệu kỳ, khi tôi đã đi thật xa, mỗi lần nhớ về quê,
tôi lại thấy hiện lên đỏ thắm màu hoa gạo quê hương. Màu hoa lúc ấy lại như
những bàn tay, vẫy gọi tôi về.
Những ngày thượng tuần
tháng Ba, khi nàng Bân đã đan xong áo cho chồng, Thượng Đế thu những ngọn gió
lạnh vào kho, trả lại cho hạ giới khung cảnh thần tiên: “Cỏ non xanh rợn chân
trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”… Lúc ấy Tết Thanh minh bắt đầu, gọi
Yến Oanh dập dìu trẩy hội. Tháng Ba đã đi tới những nhịp cuối cùng. Những sợi
dây tơ hồng nối từ tháng Ba, sang mùa hạ bắt đầu vươn lên, trên những bụi bài
bi vàng óng.
Tôi cứ ngơ ngẩn cho rằng:
Nắng mùa hạ bắt đầu rực lên từ những dây tơ hồng ấy. Và đó chính là kết tinh
của Hương sắc Tháng Ba.
Tháng Ba có ngày sinh của
bạn, tháng Ba có màu trắng hoa bưởi, màu tím hoa xoan, màu đỏ hoa gạo và màu
nắng óng vàng, của những dây tơ hồng TÌNH YÊU trên những bụi bài bi xanh biếc.
Xin tặng tất cả cho bạn. Hãy thật hạnh phúc trong ngày sinh bạn nhé. Hạnh phúc
với tháng Ba. Chúng tôi yêu bạn thật nhiều!
Huế 14/3/2014
Hoàng Thảo Chi
Hoàng Thảo Chi
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 14.3.2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Tết nhà
quê – Tạp văn của Hoàng Thảo Chi
Thứ
năm - 23/01/2014 09:24
Còn
hàng tháng nữa mới Tết, mà sáng nay, đi ngang mấy cửa hàng sách, thấy đỏ rực,
vàng chói cơ man là lịch tờ, lịch quyển, lịch blốc năm mới 2014 đã được bầy
bán. Một bìa lịch to tướng, vẽ bức tranh Mã Đáo Thành Công, biết năm mới sẽ là
năm Ngọ. Nhìn tám con ngựa, vó tung cao, bờm dựng lên trong gió, trong lòng
nghe như có tiếng ngựa hý rền vang, và nao nao bao kỷ niệm của những mùa xuân
xưa cũ tràn về. Đó là những mùa xuân và những cái Tết không thể nào quên, Tết ở
nhà quê, Tết của những ngày ấu thơ, xa xưa yêu dấu…
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên thật Hoàng Văn Luận
ĐC: 108 Phan Văn Trường, TP Huế.
ĐT: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
TẾT NHÀ QUÊ!
Còn hàng tháng nữa mới
Tết, mà sáng nay, đi ngang mấy cửa hàng sách, thấy đỏ rực, vàng chói cơ man là
lịch tờ, lịch quyển, lịch blốc năm mới 2014 đã được bầy bán. Một bìa lịch to
tướng, vẽ bức tranh Mã Đáo Thành Công, biết năm mới sẽ là năm Ngọ. Nhìn tám con
ngựa, vó tung cao, bờm dựng lên trong gió, trong lòng nghe như có tiếng ngựa hý
rền vang, và nao nao bao kỷ niệm của những mùa xuân xưa cũ tràn về. Đó là những
mùa xuân và những cái Tết không thể nào quên, Tết ở nhà quê, Tết của những ngày
ấu thơ, xa xưa yêu dấu…
NẤU RƯỢU TẾT
Dạo ấy, không khí tết đến
với tôi từ rất sớm, ngay từ lúc bắt đầu phụ giúp Thầy tôi nấu rượu. Cái đoạn Bu
tôi nấu cơm, trộn men rồi ủ…tôi không để ý lắm. Nhưng đến lúc nấu rượu, thì tôi
thấy mùa xuân đã về, mơn man trong mùi rượu thơm ngát giữa bếp nhà tôi. Hơn nửa
thế kỉ đã trôi qua, nhưng tôi vẫn thấy tôi ngồi kia, bên cạnh bếp lửa hồng rừng
rực, đốt bằng gốc tre, còn Thầy tôi thì tất bật chuẩn bị nấu rượu.
…Trước tiên Thầy tôi bắc
cái nồi đồng ba mươi lên bếp, (gọi là nồi ba mươi, chắc là nó chứa được ba mươi
lít nước thì phải) đổ vô đó khoảng nửa nồi cơm rượu. Tiếp theo ông đặt cái nồi
hông bằng đất nung không đáy lên trên. Giữa thân cái nồi hông, có khoét một lỗ
nhỏ để cho rượu chảy ra, qua một cái máng bắc bên trong nồi. Cái nồi hông này
khum khum hình quả bí ngô, chụp khít cái miệng nồi ba mươi phía dưới. Phía trên
đặt một cái bù đài bằng tôn (giống như cái nón lật ngửa). Cái bù đài này, phải
đặt sao cho, cái chóp nhọn của nó, chỉ đúng vào lòng cái máng phía dưới, mới
mong thu được rượu khi nấu. Trong bù đài, phải giữ cho nước luôn mát, để ngưng
đọng hơi rượu bốc từ phía dưới lên. Rượu theo độ dốc của bù đài chảy xuống cái
máng rồi ra ngoài. Tôi được giao nhiệm vụ thay nước ở cái bù đài ấy. Đó là một
công việc chẳng nặng nhọc chi, nhưng cứ phải chạy ra, chạy vô lấy nước, chân
tay chẳng được nghỉ ngơi.
Khi những giọt rượu đầu
tiên chảy ra, Thầy tôi hứng chúng vào cái chén mắt trâu rồi nếm thử. Sau khi
nếm, ông điều chỉnh ngọn lửa để sao cho, rượu đạt được nồng độ mong muốn, nhất
là phải có vị hơi khê khê, chứ không phải là bị khê. Cái này là bí quyết, chúng
tôi chẳng ai tiếp thu được. Mỗi khi Thầy tôi nếm xong, bao giờ tôi cũng lấy cái
chén ấy, kề vào miệng dốc ngược lên, và lần nào cũng kiếm được vài giọt cay xé
lưỡi. Hàng chục năm, phụ Thầy tôi nấu rượu như vậy, tửu lượng của tôi âm thầm
đạt tới hàng “Huyền đai” mà chính tôi không biết.
Qua bao tháng năm, những
vò rượu Tết, được nút bằng lá chuối khô, vẫn xếp hàng ngay ngắn trong trí nhớ
của tôi đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn quay về với thuở xưa, mở những
cái nút lá chuối ấy ra. Mùi rượu nếp, lại lừng thơm hương Tết tuổi thơ, xa mù
trong dĩ vãng.
MUỐI DƯA HÀNH.
Cách Tết khoảng mươi lăm
ngày, Bu tôi bắt đầu chuẩn bị muối dưa hành. Tôi được phân công rửa sạch cái
vại sành, cái vỉ nén đan bằng tre và một cục đá khá to. Bu tôi mua về mấy cân
hành củ màu trắng, loại sàn sàn nhau, cho hết vào một chậu men, đổ ngập chúng
bằng nước vo gạo cùng một nắm muối. Ngâm một đêm thì gạn hết nước vo gạo, thay
vào đó bằng nước lã hòa cùng tro bếp, và cũng thêm một ít muối, ngâm một ngày
nữa thì đổ ra. Bu tôi rửa sạch hành, bóc vỏ ngoài, để cho ráo nước. Chờ hành
ráo, Bu tôi nướng mấy gióng mía, tước hết vỏ rồi tiện thành từng khúc khoảng 3
phân, chẻ tư rồi xếp xuống đáy cái vại tôi đã chuẩn bị, và đổ hết hành lên
trên. Tôi đun một nồi nước sôi, để gần nguội, Bu tôi cho vô đó ít đường, muối,
dấm khoắng đều rồi đổ ngập hành khoảng một đốt ngón tay. Tôi nén cái vỉ xuống,
đặt cục đá lên rồi đậy nắp vại lại. Thế là hai Bu con chúng tôi, hoàn thành một
món rất quan trọng cho ngày tết: Muối dưa hành.
Không biết món kim chi ngon
cỡ nào, mà trong tất cả các phim của xứ Hàn đều ca ngợi thấu trời xanh? Tôi thì
cho rằng: Món hành muối của người Việt chúng mình, nhất là món hành muối của Bu
tôi làm trong những dịp Tết ngày xưa…tuy giản dị, nhưng nhất định là phải đứng
số một. Nó đã trở thành một phần hồn cốt, một hương vị đặc biệt trong những
ngày Tết cổ truyền của của dân tộc Việt Nam. Không thế thì làm sao, người sành
điệu, nổi tiếng như cụ Nguyễn Bính lại làm thơ về chúng kia chứ:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…
CÚNG ĐƯA ÔNG TÁO
Nghi lễ đầu tiên chuẩn bị
cho năm mới là lễ: Tiễn ông Táo về trời… vào ngày 23 tháng Chạp. Bu tôi nói:
Lễ này rất trọng, bởi vì
các vị Táo quân (tức là ba ông đầu rau trong bếp) sẽ bay lên trời, tâu với Ngọc
Hoàng Thượng Đế mọi chuyện của gia đình trong suốt năm qua. Nhất là chuyện học
hành của mấy anh em chúng mày. (Bu tôi nhìn bọn tôi, nhấn mạnh như vậy). Rồi
xin Ngọc Hoàng ban mọi điều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Vì sẽ đi rất xa,
nên phải có một mâm cỗ, dâng lên cho các ông Táo ăn lấy sức đi đường và cũng là
lấy lòng các vị Táo quân.
Tôi thấy mâm cỗ của Bu tôi
cúng các ông Táo, cũng không hoành tráng như tôi tưởng. Có bát gạo, bát muối,
đĩa cá kho, đĩa rau lang luộc, đĩa rau xào, một nậm rượu, một miếng thịt luộc
nhỏ, một đĩa xôi, vài cốc chè đỗ xanh…một ít tiền âm phủ, vàng mã và một con cá
chép bằng giấy. Bu tôi bảo: Sau khi ăn cỗ, các Táo quân mang theo tiền, vàng mã
làm lộ phí, rồi cưỡi con cá chép ấy bay lên trời. Nên cúng xong, thì phải hóa
vàng mã và con cá chép. Còn nhà nào kiếm được ba con cá chép thật thì phải
phóng sinh xuống sông hoặc ao, hồ để chúng đưa các ông Táo đi.
Vì các ông Táo lên trời,
sẽ báo cáo cả chuyện học hành của mình nên tôi hơi lo. Đêm ấy tôi nằm mơ, thấy
mình bay lên giữa trời xanh, xung quanh cơ man là cá chép, nhưng chẳng tìm thấy
một vị Táo quân nào.
LAU DỌN BÀN THỜ
Tiễn các vị táo quân xong
thì bắt đầu trang trí lại nhà cửa. Quan trọng nhất là lau dọn bàn thờ. Đầu tiên
là đánh bóng các đồ thờ bằng đồng. Nhà tôi có một cái án thư cổ khá lớn dùng
làm bàn thờ. Cứ như Thày tôi nói, thì cái án thư này, ngày xưa nó được sơn son
thếp vàng. Nhưng chắc lâu quá rồi, tất cả đã bong hết, chẳng thấy son và vàng
đâu, chỉ còn một màu gỗ nâu bóng, nhưng các hoa văn trạm trổ trang trí, thì còn
khá đẹp và sắc sảo. Trên bàn thờ nhà tôi có cái lư hương và hai con hạc bằng
đồng, cần phải đánh. Nếu như bây giờ, chỉ cần đưa đến các cơ sở đánh bóng, sau
ba mươi phút cả bộ đồ thờ ấy đã sáng choang. Nhưng ngày ấy, cha con chúng tôi
phải đánh bằng trấu, cát, tro bếp hì hục cả buổi mới xong.
Thầy tôi giao cho tôi, và
ông anh trai mỗi đứa một con hạc, hẹn trong ngày phải hoàn thành. Để chiều còn
đi học, nên ngay từ sáng sớm, tôi đã bắt đầu công việc của mình. Nói là con
hạc, nhưng con hạc lại đứng trên lưng con rùa và mỏ con hạc lại ngậm một bông
sen, ngay giữa nhụy của bông sen, có một lỗ tròn để cắm nến…nên đánh bóng được
chúng chẳng dễ dàng chút nào.
Thường ngày, mỗi khi nằm
võng ru cháu, trong các bài ru miên man của mình, thế nào Bu tôi cũng hát:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia
Câu này và các bài ru của
bà, đã ngấm vào tôi tất cả, tôi hiển nhiên công nhận chúng. Nhưng khi đánh bóng
cặp rùa đội hạc này, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao, con hạc lại cứ phải
đứng trên lưng con rùa, chứ không phải trên lưng con vật nào khác? Tôi mang
điều này hỏi Thầy tôi. Nhìn tôi và con hạc, ông mỉm cười giải thích:
Các cụ ngày xưa xếp con
rùa vào hàng thứ ba trong bốn con vật thiêng: Long, Ly, Quy, Phụng. Quy là rùa,
con rùa tượng trưng cho sự trường thọ, trường tồn, vĩnh cửu. Con hạc tượng
trưng cho sự tinh túy, thanh cao. Cái tinh túy thanh cao, bao giờ cũng bền lâu…
Nên con rùa luôn cõng con hạc là vì vậy!!!
Thế còn con nghê là con
gì? Tại sao nó lại đứng trên nắp cái lư hương như thế? Tôi thắc mắc tiếp.
Con nghê chính là con chó,
nhưng được tạc một cách oai nghiêm hơn. Con chó là con vật được con người yêu
thương nhất trong muôn loài vật. Nó cũng luôn yêu thương, trung thành bảo vệ
gia chủ, nên nó được đứng trên nắp cái lư hương, bảo vệ, canh nhà cho chủ, xua
đuổi mọi điều tà ác. Những ngày lễ tết, nó còn được xông trầm hương nữa. Con
hạc và con nghê là hai con vật thiêng của người Việt. Con phải nhớ lấy điều đó!
Lúc ấy tôi cũng không
hiểu, những điều thầy tôi giảng giải cho lắm. Sau này lớn lên, tôi thấy ở nhiều
nơi có những tượng chó bằng đá thiệt to. Còn con rùa, không chỉ đội hạc, mà nó
còn đội cả những cái bia to đùng ở các chùa, và bia tiến sỹ trong văn miếu Quốc
tử giám ở Hà Nội nữa.
Chắc các cụ tiến sỹ cũng
tinh túy, thanh cao… nên được đứng trên lưng con rùa! Mình cố học giỏi để được
giống như các cụ!!!
Những lúc ấy, tôi đã phởn
chí mà ao ước như vậy!
MÂM NGŨ QUẢ VÀ CÂU
ĐỐI.
Lau dọn nhà cửa, bàn thờ xong
thì Tết đã cận kề. Trên bàn thờ nhà tôi, ngoài bộ đồ đồng ra, thì còn hai lọ
lục bình bằng sứ khá to và đẹp. Chúng cao khoảng hơn nửa mét. Thân bình màu
trắng, có vẽ hai con hươu đứng dưới những cành tùng màu xanh. Hai lọ lục bình
này, ông anh cả của tôi cắm hai cành đào phai, chặt ngoài vườn hoặc đi xin ở
đâu đó. Bát hương to bằng sứ đặt đúng giữa bàn thờ. Thầy tôi nhổ bớt chân
hương, hót bớt lớp tàn nhang và cát phía trên, đổ thêm vô đó một lớp cát trắng
mới, rồi lau sạch xung quanh bát hương và bàn thờ. Công việc này, tôi để ý thấy
Thầy tôi làm, với những động tác hết sức cẩn trọng, và với vẻ mặt vô cùng thành
kính. Ngoài cùng, ngay sát bát hương là cái mâm bồng khá to, được tiện bằng gỗ
mít vàng. Cái mâm bồng này, có chân cao khoảng mười phân, mặt có đường kính
khoảng hơn ba mươi phân. Thầy tôi bầy lên đó hai nải chuối xanh, quây tròn như
một bông sen nở. Chính giữa bông sen xanh ấy, đặt một quả Phật thủ thật to.
Xung quanh quả Phật thủ là quýt đỏ, cam vàng, hồng….Thầy tôi dặn là phải bầy
mâm ngũ quả, sao cho thật đẹp và xum xuê, thì năm mới sẽ ăn nên làm ra. Cuối
cùng là treo hai câu đối đỏ, lên hai cái cột hai bên bàn thờ.
Đứng giữa cửa nhìn vào bàn
thờ, thấy hai con hạc, cái lư hương sáng lấp lánh, những nụ hoa đào đang hé nở,
thắm hồng thấp thoáng giữa những cánh lá xanh biếc. Đọc hai câu đối: TÂN NIÊN
HẠNH PHÚC BÌNH AN ĐẾN – XUÂN NHẬT VINH HOA PHÚ QUÝ LAI…giữa mùi thơm ngạt ngào
tỏa ra từ quả Phật thủ, thấy Tết như đã về ngoài ngõ. Tôi gào lên: Tết rô…ôi…ồi,
và chạy vụt sang nhà ông cậu nằm đối diện với nhà tôi bên kia cái ao, xem cậu
tôi bầy mâm ngũ quả như thế nào.
Thầy tôi chặc lưỡi gọi với
theo: Cái thằng! Đừng chạ…ay…ạy, ngã bây giờ!!!
ĐI CHỢ TẾT
Chợ ở vùng tôi gọi là chợ
Huyện. Chợ này cách nhà tôi gần hai cây số, họp theo phiên. Là chợ của một vùng
quê thuần nông, nên hàng hóa được bày bán tại đây hầu hết là sản vật địa
phương. Một số hàng hóa mang từ thành phố về, tập trung vào mấy cái mẹt của các
cô, được gọi là “hàng xén”.
Những ngày thường, rất ít
khi bọn con nít chúng tôi được đi chợ. Nhưng những ngày Tết, chúng tôi được
phép theo các mẹ và các chị đi chơi.
Chợ Huyện quê tôi nhỏ như
bàn tay. Nhưng lúc bé tôi thấy nó rộng mênh mông. Chả thế mà Bu tôi cứ dặn đi
dặn lại: Đi chơi cẩn thận không lạc!
Khoảnh đất trống ngay đầu
chợ là nơi bán rau, củ, quả. Đầu tiên là mấy bà bán lá chè xanh. Không biết ở
nơi khác thế nào, chứ quê tôi bán chè xanh bằng nón. Tôi nhớ lúc đó, mỗi nón
chè giá hai hào. Người bán, lật ngửa cái nón ra, bốc những lá chè xanh cho đầy
nón rồi đổ vào thúng cho người mua. Người mua còn cố bốc một nắm nữa gọi là
thêm. Có người bốc thêm hai nắm, bị người bán đập vào tay mắng: Khiếp, tham như
ma!!! Rồi cả hai cùng nhăn răng ra cười.
Tiếp theo là hàng su hào,
bắp cải, cà rốt, khoai tây, cà chua, xà lách, hành xanh, hành củ, rau cần… và
rau thơm đủ loại. Các bà bán bưởi, bán cam, bán chuối và tất cả các loại trái
cây vườn nhà… trải ngay mấy mảnh chiếu rách xuống đất rồi bầy lên mà bán. Cả
một khoảnh chợ bừng lên như một tấm vải hoa đủ màu: đỏ, vàng, xanh, trắng… và
lừng hương các loại quả, các loại rau thơm ngây ngất.
Chúng tôi quây quanh bà
bán một mẹt táo, hỏi mua năm xu. Bà bốc cho chúng tôi một vốc và thêm cho vài
quả. Cả lũ nhao nhao chia nhau ăn, rồi ồn ào chạy tới chỗ các cô hàng xén, để
mua diêm và pháo tép. Dạo ấy mỗi bao diêm giá một xu. Mỗi thằng ít nhất cũng
mua 10 bao về bắn súng lục gỗ.
Chỗ mấy bà bán lá dong là
tập trung đông người nhất. Lá dong gói bánh chưng vùng tôi ít trồng, phần nhiều
là từ nơi khác đến. Người mua kẻ bán, ồn ào cả một góc chợ. Cuối cùng thì tôi
cũng tìm thấy Bu tôi. Cái thúng của Bu tôi đầy ự nhiều thứ, nhưng tôi ngửi ngay
ra mùi bánh rán. Nhìn cái mũi phập phồng của tôi, bà móc đưa cho tôi một cái
rồi mắng: Mũi mày còn tinh hơn cả mũi con vàng ở nhà. Tôi chẳng quan tâm Bu tôi
mắng cái gì, đưa ngay cái bánh rán vàng ươm, nóng ròn, thơm lừng lên miệng cắn
một miếng rõ to.
…Chẳng phải nói quá, chứ
cái chợ quê tôi ngày Tết đúng là tuyệt nhất thế giới. Cái bánh rán mà Bu tôi
mua cho tôi dạo ấy, đã qua mấy chục năm, mà hương vị thơm ngon của nó tôi vẫn
cảm thấy y nguyên trong đầu lưỡi.
Nếu các bạn không tin, xin
cứ đến thăm chợ Tết quê tôi nhé!
SÁNG BA MƯƠI TẾT.
Người ta vẫn nói: Ba mươi
chưa phải là Tết. Tôi cũng đồng ý như vậy. Nhưng ngày Ba mươi, là một ngày đầy
ắp những“Sự kiện“náo nhiệt, và nóng bỏng nhất…ngày cuối cùng của năm cũ.
Sự kiện mà lũ trẻ con háo
hức chờ đợi nhất, đó là: Mổ lợn. Dạo ấy, thường ba bốn nhà chung nhau mổ một
con. Gọi là đánh đụng. Ba bốn giờ sáng đã thấy tiếng lợn kêu eng éc…đây đó khắp
xóm. Mấy anh em chúng tôi nằm trong ổ rơm, lắng nghe tiếng kêu rồi phán đoán,
xem đó là lợn nhà ai, và khoảng bao nhiêu cân. Chuyện chỉ có vậy nhưng cũng cãi
nhau chí tử. Nhiều khi phải chạy xuống bếp để nhờ Thầy tôi làm trọng tài phân
giải. Lúc ấy Thầy Bu tôi đang đun nước làm lông lợn, và luộc đỗ xanh để làm
nhân bánh chưng.
Khoảng năm giờ sáng,
đã thấy cậu tôi tới, quát oang oang ngoài sân: “Mấy đứa đâu rồi, dậy ngay! Tao
đá cho mỗi thằng một phát, tung đít lên bây giờ!” Chúng tôi bật hết cả dậy, như
cháy ổ rơm. Cậu tôi chẳng nói đùa bao giờ. Cậu tôi giao cho mỗi đứa một việc.
Hai ông anh tôi đi rút một ít rạ, trải ra chỗ đã được chỉ định để tý nữa làm
lông lợn. Còn tôi, trải cái chiếu nhỏ ngoài hiên nhà, rồi bê cái bình tích mà
Thầy tôi đã hãm một tích nước chè xanh, cùng mấy cái cốc đặt lên đó. Được một
lát, thêm hai ông chú tới. Thầy Bu tôi cùng mọi người uống chè xanh, rồi mỗi
người mỗi việc.
Cậu cùng hai ông chú xuống
chuồng bắt lợn. Thầy tôi chuẩn bị cái nia, các loại dao và mấy cái thớt. Hai
cái chày gỗ và cái cối đá giã giò, Thầy tôi đã rửa sạch từ hôm qua, chuẩn bị
sẵn sàng. Bu tôi bê từ bếp ra một rổ lá chuối đã được trụng qua nước sôi, để tý
nữa gói giò. Tôi được giao thêm một việc: Cắt và bẻ góc lá dong để gói bánh
chưng. Công việc này tôi đã làm quen từ lâu, nên chẳng khó khăn chi. Tôi lấy
một cái lá dong, ướm vào cái khuôn bánh, cắt làm mẫu. Sau đó xếp lá dong thành
từng chồng, rồi cắt và gấp hàng loạt. Chỉ trong mươi lăm phút là xong. Mấy
thằng em con các ông chú chạy sang, chúng tôi cùng vây quanh xem chọc tiết lợn.
Con lợn khoảng 50kg đã được đặt lên đít cái cối đá to. Sau khi rửa thật sạch cổ
con lợn, cậu tôi pha một ít nước muối trong cái chậu nhôm. Khoắng một hồi, đưa
tay lên miệng nếm thử: Được rồi! Cái anh này mà không đủ độ mặn, thì tiết đông
ngay. Hỏng tiết canh thì chỉ có vứt!!! Cậu tôi gật gù nói với hai ông
chú.
Chọc tiết xong, mọi người
xách con lợn tới chỗ đã trải rạ để làm lông. Nồi nước sôi đã được bê ra, cậu
tôi múc nước sôi dưới lên khắp thân con lợn. Nước sôi gặp không khí lạnh nên
hóa hơi thật nhiều, thật nhanh. Cả một góc sân cuồn cuộn hơi nước trắng xóa bốc
lên, tựa như cái hố đang tôi vôi vậy.
Chỉ khoảng ba mươi phút,
con lợn đã được làm trắng tinh. Cậu tôi cắt cho bọn tôi cái đuôi và cái bong
bóng. Chúng tôi hò reo vang trời, mang hai chiến lợi phẩm ấy chạy đi. Cái đuôi
thì bỏ vào nồi luộc lòng nhờ Bu tôi luộc hộ. Còn cái bong bóng thì làm sạch,
mượn cái bơm xe đạp bơm lên thật căng để đá.
Hai món mà Thầy tôi quan
tâm nhất đó là giò lụa và bánh chưng. Nên khi thịt vừa ra xong, lập tức ông hối
thúc cậu tôi giã giò ngay. Những miếng thịt nạc mông còn nóng hổi, và một ít
thịt mỡ khổ được thái nhỏ, cho vào cối đá và giã. Cậu tôi hai tay hai chày, giã
đều như máy. Cứ một lúc, Thầy tôi lại giã thay. Khi sắp được, cậu tôi cho một
chút nước mắm ngon, chút hạt tiêu và một vài phụ gia gì đó vào thúc đều, rồi
giã tiếp. Đến khi thịt mịn như bột, dẻo quánh là được. Cậu tôi dùng một miếng
mo cau bèn bẹt để vét thịt trong cối ra. Chỉ vài phút sau, cái giò lụa, khoảng
hơn một cân, đã được cậu tôi gói xong. Nhìn cái giò nây đều, các vòng lạt buộc
thẳng tăm tắp, hai đầu cây giò, những mút lá chuối được gấp, giấu múi một cách
điệu nghệ. Tôi phục cậu tôi sát đất. Cậu tôi mang vào bếp, đưa cho Bu tôi luộc,
dặn là khi nước thật sôi mới cho giò vào (làm sao giò phải đứng trong nồi),
đồng thời thắp một nén nhang, khi nén nhang cháy hết thì vớt giò ra. Lúc đó tôi
cho rằng như vậy là rất thần bí.
Trong khi cậu tôi làm giò
lụa, thì thầy tôi cũng gói xong hai chiếc giò xào. Ông dùng hai thanh tre, như
hai cái đòn gánh, ép hai cái giò ấy thật chặt, rồi treo lủng lẳng ngoài hiên.
Tôi gí mũi vào chúng hít lấy hít để. Mùi thịt xào với mộc nhĩ thơm nức. Con
vàng đến bên tôi, mũi nó cũng nghếch lên mấy cái giò khịt khịt. Tôi vào bếp xin
Bu tôi cái đuôi lợn, cắt cho nó một khúc, còn lại chia đều mấy anh em, mỗi
thằng chén một miếng, rồi tiếp tục đá bóng.
Gói xong giò, Thầy và cậu
tôi bắt đầu gói bánh chưng. Thầy tôi gói bằng khuôn, còn cậu tôi thì gói vo.
Không biết bây giờ thế nào, chứ hồi còn nhỏ, tôi thấy cái bánh chưng của vùng
tôi quả là “Vĩ đại”. Sau khi lót lá xong, bát nếp thứ nhất đổ dàn đều trong
lòng khuôn. Tiếp theo là một nắm đỗ xanh to bằng quả trứng ngỗng, đã được đồ
chín và giã nhuyễn, cùng mấy miếng thịt ba chỉ ướp hành, nước mắm, hạt tiêu,
thảo quả…làm nhân. Cuối cùng lại một bát gạo nữa. Trọng lượng của cái bánh phải
đạt tới trên một kg cũng nên. Sau này, khi sống ở Huế, các dịp tết nhất, người
ta cũng gói bánh chưng, nhưng những chiếc bánh to nhất cũng chỉ bằng phân nửa
cái bánh chưng quê tôi mà thôi. Mọi người nói rằng, gói nhỏ như vậy trông nó
sang và thanh lịch hơn. Trong thâm tâm, tôi vẫn thích cái xum xuê, phồn thịnh,
quê kiểng của cái bánh chưng vùng tôi hơn…Khoảng chín giờ sáng, bánh chưng đã
được gói xong. Thầy tôi lót một ít thân cây dong xuống đáy một nồi đồng to, xếp
bánh vào, rồi đổ đầy nước, đốt củi khai hỏa. Phải nấu hơn mười tiếng thì bánh
mới chín kỹ. Thầy tôi dặn vậy.
Trưa ngày Ba mươi là cúng
Tất niên, mời tổ tiên, ông bà về nhà ăn Tết. Bữa cỗ này cơ bản là các món được
chế biến từ lòng lợn. Tôi thấy mọi người đặc biệt thích thú, và chờ đợi thưởng
thức món tiết canh. Món này, ông anh cả của tôi được mọi người tín nhiệm, giao
cho trực tiếp chế biến. “Thằng này làm tiết canh là ngon nhất.” Cậu tôi đã
khảng định như vậy. Tôi được giao công việc nướng hành. Tôi kiếm hai que tre
dài khoảng nửa mét, xiên đầy hai que ấy hành củ, nướng cho cháy lớp vỏ ngoài là
được. Sau khi bóc lớp vỏ cháy, làm sạch rồi băm nhỏ, là tôi hoàn thành nhiệm
vụ. Anh tôi bảo, nhân tiết canh, nhất định phải có hành nướng mới ngọt. Còn
thịt để làm nhân, thì nhất định phải là cái nầm (phần thịt ở giữa ức con lợn),
cái lưỡi, cuống họng…vừa nạc, vừa có sụn ăn mới ngon. Các bát tiết canh vừa
đánh xong đỏ hồng, được rắc thêm một ít lạc rang, đặt lên trên mặt vài lát gan
thái mỏng cùng vài cánh rau mùi. Phải đợi mươi lăm phút để chúng đông sánh lại
là được.
Khi anh tôi làm tiết canh,
cậu tôi bắt đầu thái lòng bầy đầy các đĩa. Những miếng dồi thơm phức mùi rau
ngổ, hành xanh, lạc rang, tiết…được cậu tôi bầy xuống dưới cùng, tiếp theo là
những miếng tràng, ruột non trắng tinh, luộc vừa chín tới giòn sừn sựt. Trên
cùng là những miếng tim, gan, phổi thái mỏng cùng những ngọn húng láng thơm
ngát. Tất cả còn nóng hổi, khói bốc nghi ngút thơm lừng. Tay tôi cứ thò ra thụt
vào…muốn bốc trộm một miếng ăn cho đã thèm. Nhưng lại sợ bị các cụ quở, vì chưa
cúng đã ăn vụng!!!
…Không khí ngày Ba mươi
với những cảnh: Giết lợn, gói giò, gói bánh chưng, tiết canh, lòng lợn… như
những chiếc neo nho nhỏ nhưng vô cùng bền bỉ, neo những nỗi nhớ cháy lòng về
quê hương, làng xóm gia đình, trong lòng những người dân Việt tha hương kiếm
sống. Phiêu dạt xa quê, làm ăn trên xứ người hàng mấy chục năm, mỗi ngày Ba
mươi Tết, tôi lại âm thầm trở về với mảnh sân nhà tôi, chạy lăng quăng xung
quanh mọi người. Qủa bóng bằng cái bong bóng lợn, được chúng tôi bơm căng, và
đá hoài đến tận bây giờ!
CHIỀU BA MƯƠI VÀ LỄ
ĐÓN GIAO THỪA.
Chiều ngày Ba mươi Tết, có
một việc mà Bu tôi không bao giờ quên. Đó là đun cho chúng tôi một nồi nước tắm
thiệt to. Không biết tự lúc nào, bà đã hái về một rổ các loại lá: chanh, bưởi,
hương nhu, cây mùi già, thân cây sả…Tất cả các loại lá ấy được rửa sạch, cho
vào nồi đun cho sôi. Bu tôi lấy cái cót, quây thành một vòng tròn ở góc sân,
pha nước ra hai cái thùng, sao cho không nóng quá, rồi tóm mấy anh em chúng tôi
vô đó để tắm.
Mấy đứa chúng tôi tự gội
đầu, tắm cho nhau. Mùi thơm của loại nước tắm ấy, bây giờ tìm khắp trên thế
gian này không còn nữa. Nó chỉ có trong tuổi thơ của tôi mà thôi. Bởi nó không
chỉ thơm mùi hoa lá, mà quan trọng nhất là nó chứa đầy tình yêu thương của Bu
tôi. Mà Bu tôi thì đã lên cõi Niết Bàn từ lâu lắm rồi. Những lá chanh, lá bưởi,
lá sả, cây mùi, hương nhu…vẫn còn đấy. Nhưng chúng chỉ là chúng thôi. Phải có
bàn tay Bu tôi chúng mới thơm nức lên được.
Khi tắm xong, chúng tôi
được phép mặc quần áo mới đi chơi. Đó là những bộ áo quần, được may bằng vải
mộc nhuộm củ nâu, dầy và cứng đơ như vải bạt. Chúng kêu loạt soạt trong mỗi
bước đi, mùi của chúng nồng hắc, không thể xếp vào loại hương gì…Nhưng lúc đó
tôi vẫn thấy hạnh phúc tràn trề, và quần áo như thế nào, không còn quan trọng
nữa.
Tôi húp qua quéo bát cháo
lòng, rồi phi đi tìm mấy thằng em kéo đi chơi khắp xóm. Cả lũ chúng tôi rồng
rắn đi khắp mọi nhà. Điều quan tâm nhất của chúng tôi, là xem các mâm ngũ quả
nhà nào đẹp nhất, xem nhà ai có bánh pháo dài nhất. Vì xóm nhỏ, nên chỉ khoảng
một tiếng chúng tôi đã đi hết lượt. Sau một hồi cãi lộn, chúng tôi không thể
nhất trí được là mâm ngũ quả nhà ai đẹp nhất, nhưng tất cả cùng đồng ý là băng
pháo nhà ông Thức thợ may đoạt giải nhất, vì ông Thức đã nối hai bánh vào nhau,
còn các nhà khác chỉ có một bánh mà thôi.
Kết thúc cuộc “Khảo sát”
đó, chúng tôi kéo nhau ra sân đình xem các anh chị thanh niên chơi đu. Trước
sân đình, trên một nương mạ đã được nhổ hết, cậu tôi cùng mấy ông trong làng,
đã dựng một cây đu bằng tre rất cao từ mấy hôm trước. Trên đỉnh cây đu, một bên
cắm một lá cờ đuôi nheo, và bên kia có một cây nêu nhỏ, có gắn một cái cung,
mũi tên chĩa về hướng đông. Bọn con nít chúng tôi chỉ đứng coi chứ không được
phép leo lên chơi, vì sợ ngã. Tôi thấy có những cặp, hai anh chị chơi đu rất
cao, gần ngang với với cái xà của cây đu, nhìn thật dễ sợ. Chúng tôi vỗ tay la
hét, tán thưởng cuồng nhiệt. Sau này mỗi khi đọc bài thơ Đánh đu của nữ sỹ Hồ
Xuân Hương, cảnh hai anh chị cùng cánh đu bay bổng trước đình làng tôi, cứ hiện
về lộng lộng, lả lướt, và cực kỳ sống động trong hai câu thơ của bà: Trai đu
gối hạc khom khom cật. Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng… Có lẽ đó là những vần
thơ trác tuyệt nhất, tả về cảnh chơi đu ở Việt nam. Sau Hồ Xuân Hương, thấy
không còn một thi nhân nào dám viết về đề tài này nữa!!!
Chúng tôi hết xem đánh đu,
lại kéo vào trong chùa xem các ông, các bà lễ Phật. Chùa xóm tôi nhỏ tý, mọi
người ngồi tràn cả ra ngoài sân khấn vái. Tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ cốc
cốc, tiếng lầm rầm khấn vái trong mùi hương trầm lan tỏa, tạo ra một không khí
linh thiêng. Ngày thường, hôm nào chúng tôi cũng vào chùa chơi. Tất cả các
tượng Phật đều quen mặt biết tên, vô cùng thân thiết. Nhưng lúc này, trước sự
thành kính của mọi người, nhìn lên điện thờ thấy mắt các tượng Phật bắt sáng
lấp lánh, tự nhiên tôi thấy sờ sợ.
Tiếng pháo lác đác từ xa
vọng tới, chúng tôi biết sắp giao thừa, tất cả giải tán ai về nhà nấy. Khi chạy
về đến sân, đón tôi là con Vàng và mùi bánh chưng thơm sực nức. Thầy tôi đã ép
xong bánh, bầy mỗi bên mâm ngũ quả hai cái, còn bao nhiêu xếp hết lên nóc chạn.
Ông đưa cho tôi cái bánh chưng nhỏ bằng bốn cái bao diêm, gọi là bánh vét thau
(những nắm gạo, miếng thịt, vụn đỗ cuối cùng còn xót lại). Tôi dứ dứ trước mũi
con Vàng, nó sung sướng nhảy cỡn lên, miệng rên ư ứ. Tôi và nó hạnh phúc mê
man. Bu tôi bóc một cái bánh chưng, lấy lạt xắt thành tám miếng. Thầy tôi cắt
một đĩa giò lụa, một đĩa giò sào, rót mấy chén rượu rồi bầy tất cả lên bàn thờ,
thắp ba nén nhang trang nghiêm khấn vái.
Ông anh tôi đã treo bánh
pháo lên dây phơi ngoài sân, dặn tôi ôm chặt lấy con Vàng, sợ tý nữa đốt pháo
nó hãi mà chạy lung tung. Tôi ngồi ôm con chó hồi hộp chờ đốt pháo. Tiếng pháo
tứ phương mỗi lúc một dầy hơn, nó như cơn mưa mùa hạ đi dần từ xa tới, tựa như
ngọn lửa cháy từ mép tờ giấy lan dần lên, đến chính giữa tờ giấy thì bùng lên
rừng rực. Khi tiếng pháo nhà ông Thức hàng xóm vang lên, thì anh tôi cũng lập
tức đốt pháo, và cả xóm tôi đồng loạt châm ngòi. Tiếng pháo rộn rã phắp nơi, cả
bầu trời và mặt đất, bồng bênh chao đảo trong phút giao thừa.
Chờ cái pháo cuối cùng nổ
tung, tôi và con Vàng lao ra sân. Cả một vùng sân trước nhà phủ đầy xác pháo,
thắm hồng như những cánh đào tươi rói. Tôi ngửa mặt lên trời, những hạt mưa
xuân ly ty thoảng rơi êm trên má, giữa mùi khói pháo thơm nồng. Tôi đứng im,
giang rộng hai tay giữa màu hồng xác pháo. Một tay chia xa năm cũ bùi ngùi. Một
tay đón năm mới xôn xao bao điều mới lạ.
“Tết nhà quê” của tuổi
thơ, bây giờ mới chính thức bắt đầu, và neo đậu vĩnh hằng trong trái tim tôi.
Huế tháng 11/2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 23.01.2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Nước
mắt mùa Vu Lan – Bút ký của Hoàng Thảo Chi
Thứ
bảy - 17/08/2013 17:55
Rằm
tháng Bảy âm lịch năm ngoái, có công việc đi ngang qua nghĩa trang liệt sỹ quốc
gia Trường Sơn, chúng tôi rẽ vào thắp hương tại đó. Đã gần trưa, nghĩa trang
nóng và vắng bóng người. Khi cắm xong bó nhang vào lư hương trong nhà bia tưởng
niệm, chúng tôi thành kính cúi đầu. - Thân nhân mấy chú người vùng nào thế?
Giọng một cụ bà miền Bắc nghèn nghẹn hỏi chúng tôi, cảm giác như từ rất xa vọng
lại. Tôi ngửng lên. Bên cạnh chúng tôi là một cụ bà ốm yếu, chít cái khăn đen
mỏ quạ, đôi môi nhai trầu nâu xậm. Đôi mắt bà nhìn chúng tôi như nhìn vào cõi
hư vô. ...
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
ĐC:
108 Phan Văn Trường, TP Huế.
ĐT:
0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
NƯỚC MẮT MÙA VU LAN!
Rằm tháng Bảy âm lịch năm
ngoái, có công việc đi ngang qua nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, chúng
tôi rẽ vào thắp hương tại đó. Đã gần trưa, nghĩa trang nóng và vắng bóng người.
Khi cắm xong bó nhang vào lư hương trong nhà bia tưởng niệm, chúng tôi thành
kính cúi đầu.
- Thân nhân mấy chú người
vùng nào thế?
Giọng một cụ bà miền Bắc
nghèn nghẹn hỏi chúng tôi, cảm giác như từ rất xa vọng lại. Tôi ngửng lên. Bên
cạnh chúng tôi là một cụ bà ốm yếu, chít cái khăn đen mỏ quạ, đôi môi nhai trầu
nâu xậm. Đôi mắt bà nhìn chúng tôi như nhìn vào cõi hư vô. Dìu hai bên cụ là
một người đàn ông tóc đã hoa râm và một thanh niên khoảng 20 mươi tuổi.
- Dạ, người nhà chúng cháu
không có ai nằm ở đây. Nhưng chúng cháu coi các liệt sỹ, đều là thân nhân của
mình. Nên cứ có dịp đi qua là vào thắp hương thôi ạ.
- Cảm ơn các chú. Nghe
được câu nói mà ấm lòng quá. Thắng ơi là Thắng ơi! Con sống khôn thác thiêng,
hiện đang nằm ở đâu thì về báo mộng cho mẹ đi con! Mẹ bây giờ sống nay, chết
mai nhưng chưa tìm được xương cốt của con, mẹ chết không nhắm mắt con ơi! Hãy
về báo hiếu cho mẹ đi con!
Chưa nói dứt câu, cụ lả đi
trong tay hai người đàn ông. Chúng tôi vội khiêng cụ đặt lên cái ghế đá, dưới
bóng một vòm cây, lấy nước mát dưới lên khăn, lau mặt và đắp lên trán cho cụ.
Cậu thanh niên lột cái mũ lưỡi trai đang đội, quạt cho bà rối rít.
Qua câu truyện, chúng tôi
biết bà cụ đã 87 tuổi, nhà ở tận Tuyên Quang. Người đàn ông tên Chiến, con trai
cả của cụ. Cậu thanh niên là cháu nội của ông. Ông Chiến là cựu chiến binh, đã
chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Còn người là Thắng mà cụ bà vừa gọi tên, là em
trai ông Chiến. Ông Thắng chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị từ cuối những năm 60.
Ông đã hy sinh vào mùa hè năm 1970, nhưng không tìm thấy hài cốt. Biết mình
chẳng còn sống bao lâu, bà cụ nhất định đòi bằng được, một lần vào nghĩa trang
liệt sỹ quốc gia Trường sơn, để thắp hương cho con và đồng đội của anh. Bà
bảo: Tuy không có mộ phần, nhưng hương hồn nó, nhất định là sẽ về
quây quần với anh em, động đội tại đây!
Chúng tôi gửi ông Chiến
chút tiền và mấy gói bánh, nhờ ông khi nào cụ khỏe lại, thì biếu để cụ ăn quà,
rồi chia tay họ.
Xe chạy mấy chục cây số
trong im lặng. Chúng tôi chìm trong suy tư của riêng mình. Bất kỳ điều gì nói
ra lúc này, cũng sẽ vô cùng nhạt nhẽo, vô vị trước câu chuyện chúng tôi vừa
chứng kiến.
Hôm nay là ngày lễ Vu lan,
ngày những người con thành kính báo hiếu mẹ cha. Có người tươi cười hạnh phúc
gài lên ngực bông hồng đỏ thắm vì còn Mẹ. Có người ôm bông hồng trắng trên ngực
mà nghẹn ngào nức nở.
Nhưng tôi lại vừa chứng
kiến một truyện trái ngược. Âý là những dòng nước mắt tuôn trào, những tiếng
than khóc hờ con đứt hết ruột gan, vang lên giữa nghĩa trang quốc gia Trường
Sơn, của một người Mẹ liệt sỹ! Trái tim tôi như vỡ tan thành trăm mảnh.
Ông Thắng đã lấy sinh mạng
của mình để báo hiếu cho Tổ quốc. Hài cốt của ông có thể đã hòa tan vào đất đai
của đại ngàn Quảng Trị, vĩnh viễn không còn tìm thấy. Có hiếu thảo đến đâu, ông
Thắng cũng không thể báo mộng để “Báo hiếu” cho mẹ mình được nữa!
Ông Thắng thì hẳn là vậy.
Nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể làm được nhiều hơn là chỉ thắp mấy
nén nhang trên những nghĩa trang liệt sỹ. Mỗi người hãy làm thêm một cái gì đó,
để bớt đi những tiếng hờ con não nề, và những giọt nước mắt của những người Mẹ
liệt sỹ, chảy tràn trong ngày lễ Vu lan!
Huế-Mùa Vu Lan 2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 17.8.2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
.
Văn xuôi
Hoàng Thảo Chi
Thứ
năm - 18/10/2012 12:43
Hôm
chạy lũ qua cầu Trường Tiền, tôi gặp một Mệ già (chắc cũng đã ngoài bảy mươi
tuổi) cùng một gánh khoai lang vừa luộc xong còn khói nghi ngút, trùm áo mưa
ngồi bán nơi đầu cầu. Tôi hỏi: - Sao Mệ không ở nhà? Lũ lên lút hết cả phố rồi
kìa! Mệ trả lời tỉnh queo: - Lều của Mệ lút từ hôm qua rồi! ...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
Địa
chỉ: 108 Phan Văn Trường TP Huế
Điện
thoại: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
1-
TRUYỆN KIỀU VÀ KHOAI LANG MÙA LŨ.
Hôm chạy lũ qua cầu Trường
Tiền, tôi gặp một Mệ già (chắc cũng đã ngoài bảy mươi tuổi) cùng một gánh khoai
lang vừa luộc xong còn khói nghi ngút, trùm áo mưa ngồi bán nơi đầu cầu. Tôi
hỏi:
- Sao Mệ không ở nhà? Lũ
lên lút hết cả phố rồi kìa!
Mệ trả lời tỉnh queo:
- Lều của Mệ lút từ hôm
qua rồi!
- Thế đồ đạc của Mệ trôi
hết à?- Tôi tò mò hỏi.
- Có chi mà trôi, có bây
nhiêu đây thôi...- Mệ chỉ cào cái rổ ở một bên quang. Tôi nhìn thấy hai cái nồi
nhỏ, dăm cái lọ con con (chắc là đựng gia vị) vài cái rổ nhựa cũ. Đặc biệt có
một quyển sách cũ bỏ cẩn thận trong bao ni lông buộc lên thân chiếc quang một
cách chắc chắn.
- Đây là sổ ghi nợ của Mệ
à- Tôi chọc đùa Mệ.
- Truyện Kiều của Mệ đó,
nợ nần chi, nợ đời thì có. Lúc nào không có người mua khoai, Mệ lại bói Kiều
cho khách du lịch, kiếm tiền mua thuốc rê hút chơi... Mà chú có muốn bói không?
Mệ xem cho... linh lắm!!!
Mệ săm soi nhìn tôi, ánh
mắt ngời lên sự tự tin của một pháp sư cao thủ. Tôi nổi hứng tò mò, gật đầu
đồng ý.
- Phải thành tâm vào nghe
chưa!- Mệ dặn dò, rồi mở bao ni lông, lấy quyển Kiều cũ kĩ trịnh trọng đặt vào
tay tôi. Tôi nghiêm trang khấn vái rồi giở ngay trang đầu tiên.
- Chu cha... Chú thi tài
năng, nhưng mà bị ghen tỵ lắm đó nghe!
- Ai ghen tỵ hả Mệ?
- Đời chứ ai nữa. Đây nè:
Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài, chữ mệnh khéo là...
- Trời ơi! Mệ đúng là
thông tuệ hơn người... Giá Mệ là trưởng phòng tổ chức cán bộ thì con được nhờ
hung rồi... Mệ có muốn con viết tặng Mệ mấy câu thơ không?
- Chú cũng là bí sỹ hả?
- Bí sỹ là gì hả Mệ?
- Là mấy người làm thơ đó!
- Mệ ơi... là thi sỹ chứ
không phải là bí sỹ...
- Rứa hả!!! Mệ cứ nghe
mang máng vậy... chứ có được học hành chi mô!
Tôi với Mệ nhìn nhau cười
sặc sụa... Dứt trận cười, Mệ lau nước mắt bảo tôi:
- Chú viết đi!
Tôi viết vào mảnh giấy rồi
đưa cho Mệ.
- Trăm năm trong cõi người
ta
Lụt ni to rứa chắc là đói
hung...
Mệ đọc to, ngoác miệng
định cười, nhưng không hiểu sao nụ cười bỗng méo xẹo, tắt ngủm...
- Ừ hè, lụt đã to, thủy
điện còn sả thêm nước, lũ cao quá. Cái lều của Mệ bên Cồn Hến bữa ni chắc trôi
luôn rồi!!!
- Chắc không sao đâu!- Tôi
cố gắng an ủi Mệ...- Con gửi tiền bói Kiều. Mệ xem hay lắm!
- Thiệt không?
- Thiệt.
- Nhưng mà năm mươi ngàn
thì nhiều quá... Người ta chỉ trả Mệ mười ngàn thôi!
- Mệ cứ cầm lấy, con biếu
Mệ.
- Cảm ơn chú. À mà này:
Chú cầm mấy củ khoai lang ăn cho vui. Khoai tím thơm và ngon lắm đó.
Tôi cầm gói khoai nóng hổi
đi qua cầu Trường Tiền. Dưới cầu... "Con sông dùng dằng, con sông không
chảy..." của Thu Bồn đã biến đâu mất, thay vào đó là cả một biển nước mênh
mông nhấn chìm mọi nẻo đường thành phố. Trên dòng chảy chính của nó, đầy những
xoáy nước dữ dội và những con sóng rít lên như sói hú. Dòng lũ mang từ thượng
nguồn về thành phố, về biển vô vàn những củi gỗ rác rưởi, xác chết của đủ loài
động vật, nồng nặc mùi xú uế. Nhưng chỗ Mệ già ngồi bán khoai nơi đầu cầu, mùi
khoai lang tím xứ Huế vẫn thơm ngát, lan tỏa trong gió trong mưa... Và cả
truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vẫn đồng hành với người dân Huế mỗi mùa mưa bão.
Một tứ thơ dâng lên trong lòng, "Bí sỹ" tôi phải ghi lại ngay kẻo
quên mất:
Sông Hương sóng vỗ trên bờ
Đâu
sông? Đâu phố? Bây giờ hỏi ai!
Trường
Tiền, Mệ gánh trĩu vai
Bên
thơ với lại bên khoai lót lòng.
Huế mùa lụt 2011
***
2-
ĐÔI DÉP
Dạo tốt nghiệp trung cấp,
tháng lương đầu tiên tôi nhận được trên bốn mươi đồng. Tôi mua tặng Mẹ đôi dép
nhựa trắng hiệu Tiền phong. Hơn mười năm sau, tôi tốt nghiệp đại học ở nước
ngoài. Trước khi bay về nước, tôi mua cho Mẹ một đôi dép, một cái áo ấm, một
cái khăn choàng. Tối đoàn tụ đầu tiên, khi bà con hàng xóm đến mừng tôi vinh
quy bái tổ đã về hết, tôi mang quà ra tặng Mẹ. Mẹ mặc thử áo, quàng khăn bảo ấm
lắm con ạ. Còn đôi dép mới, Mẹ bảo là cất để dành, vì đôi dép ngày xưa mày mua
cho Mẹ còn tốt chán. Mẹ cúi xuống gầm giường, lôi ra đôi dép Tiền phong tôi mua
cho Mẹ cách đây hơn mười năm trước. Tôi thấy nó đã chuyển màu nâu đỏ như da
chân Mẹ. Tôi lật dế dép lên, quả thật nó chỉ mới mòn một chút. Mẹ bảo: Tối nào
Mẹ cũng xách dép ra cầu ao, rửa chân rồi xỏ vào dép, đi từ cầu ao vào nhà. Của
bền tại người con ạ!
Tôi nhẩm tính: Từ cầu ao
vào trong nhà khoảng mười bước chân. Mỗi ngày Mẹ đi dép khoảng mười giây!!!
Tôi cầm chặt đôi dép, thấy
tim mình tràn nước mắt. Tôi muốn ôm chặt lấy Mẹ mà khóc Mẹ ơi!!!
Huế 8/10/2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Huế ngày 18.10.2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Văn xuôi
Hoàng Thảo Chi
Chủ
nhật - 19/08/2012 22:08
Cuối
tháng Tư, bầu trời xứ Huế dần cao lên vời vợi. Những cơn mưa miên man đã theo
mây trôi cả về cửa biển Thuận An. Sông Hương dần lắng những cơn sóng phù sa, đỏ
rực bùn đất của dãy Trường Sơn mà trong vắt dịu dàng. Mùa mưa lũ đã đi qua,
thoảng trong gió tiếng ve sầu kêu đâu đó, gọi mùa hạ về với Huế, bắt đầu một
mùa Nắng miên man mấy nhịp Trường Tiền…
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
ĐC:
108 Phan Văn Trường, TP Huế.
ĐT:
0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
DIỆU KÌ SẮC HẠ CỐ ĐÔ
Cuối tháng Tư, bầu trời xứ Huế dần cao lên vời vợi. Những cơn mưa miên man đã theo mây trôi cả về cửa biển Thuận An. Sông Hương dần lắng những cơn sóng phù sa, đỏ rực bùn đất của dãy Trường Sơn mà trong vắt dịu dàng. Mùa mưa lũ đã đi qua, thoảng trong gió tiếng ve sầu kêu đâu đó, gọi mùa hạ về với Huế, bắt đầu một mùa Nắng miên man mấy nhịp Trường Tiền…
Mùa hạ về với Huế trước
tiên trên những cành phượng vĩ. Những chùm hoa thắm như những ngọn nến hồng bật
lên thấp thoáng trong vòm lá xanh biếc, lung linh tín hiệu gọi hè. Loài hoa lửa
này có sức mạnh lạ thường, làm xao động mọi tâm hồn, mọi lứa tuổi, gọi nhớ, gọi
thương, đánh thức những kỉ niệm tuổi học trò. Đã bao lần tôi đứng lặng trên
đường Lê lợi, nơi gần cổng trường Quốc học và Hai Bà Trưng lúc tan trường. Dưới
những vòm phượng đỏ rực trời, những tà áo trắng nữ sinh tràn ra cổng trường
miên man không dứt. Lòng đường trong phút chốc hóa thành dòng sông chở muôn
ngàn những cánh buồm trắng tinh khôi tỏa về muôn ngả. Màu áo trắng nữ sinh và
sắc đỏ chói ngời của hoa phượng là hai sắc màu đối lập làm mê hoặc bao
tâm hồn các nhà thơ, các nhạc sỹ. Còn tôi, tôi không là thi nhân, cũng không là
họa sỹ. Nhưng trong tôi cũng có một thời tuổi hoa niên cắp sách tới trường…
Nên những tà áo trắng, và những cánh phượng hồng kia hình như làm cho mái tóc
tôi xanh lại tuổi xuân thì, trái tim tôi như ngân lên… vọng vang những nhịp đập
thời trai trẻ.
Đường phượng trải dài từ
cầu Trường Tiền đến tận chân dốc chùa Linh Mụ. Một con đường nối liền giữa quá
khứ và hiện tại của đất Cố Đô. Mùa hạ nâng cánh cho những tiếng chuông thiêng
Linh Mụ vọng về muôn ngả. Mùa mưa, tiếng chuông Thiên Mụ như hòa tan trong
tiếng rền rĩ của mưa gió, chìm lấp trong tiếng gào rú ghê người của những cơn
lũ đại hồng thủy, nước ngập ngang trời. Nhưng khi hạ về, đất trời xứ Huế lại
lật sang một trang mới, hết thảy đều lung linh, huyền ảo diệu kì. Cứ mỗi sáng
sớm, một trăm lẻ tám tiếng chuông Linh Mụ lại ngân nga lan trên sóng nước Hương
Giang xuôi về biển lớn gọi vầng dương thức dậy. Nhiều người dân Huế, và những
du khách bốn phương khi về thăm Cố Đô đã dậy thật sớm, đi bộ về hướng chùa Linh
Mụ để được nghe, và thậm chí ghi âm lại toàn bộ một trăm lẻ tám tiếng chuông
linh thiêng đó. Có thể, mỗi người sẽ nghe thấy tiếng chuông Linh Mụ vọng vang
trong tâm hồn với những cung bậc khác nhau, phụ thuộc vào đức tin của trái tim
mình. Nhưng với hết thảy mọi người, tiếng chuông Thiên Mụ buổi sớm như một điều
linh diệu huyền bí, đánh tan và kết tủa mọi buồn đau, khổ lụy của cuộc
sống đời thường, trả lại cho chúng ta một tâm hồn trong vắt, tràn đầy yêu
thương và nghị lực sống kiên cường. Tiếng chuông Thiên Mụ là một giai điệu siêu
thoát, tuyệt diệu nhất của Huế, và nó càng bay bổng ngân nga hơn trong mỗi độ
hạ về.
Người ta hay than rằng:
Mùa hạ xứ Huế nắng cháy da cháy thịt… Tôi thì không tin như thế. Và trước tôi,
ít nhất có một người cũng không tin như vậy. Người ấy, muôn vàn người dân Việt
biết tên và yêu mến vô cùng. Đó là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Người nhạc sỹ tài
danh xứ Huế này đã biến mùa hè nơi đây, trở thành mùa hè huyền thoại
trong tình khúc bất tử của mình: Hạ Trắng. Ở trên những con phố xung
quanh Đại Nội Huế, có vô số những quán cà phê to nhỏ, với đủ kiểu bài trí khác
nhau. Nhưng chúng có một nét giống nhau tự nguyện: Ấy là những đĩa nhạc Trịnh.
Và tất nhiên là phải có Hạ Trắng rồi. Những buổi sáng đầu hạ, ngồi trong một
những quán ấy, nhâm nhi ly cà phê ngòn ngọt, đăng đắng nghe Khánh Ly hát Hạ
trắng cùng một cây Saxophone trầm bổng, bao giờ tôi cũng như người bị thôi miên
vậy:
…Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…
Với người ngoài thì tôi
phải giấu biến, nhưng tôi luôn luôn tự thú với chính mình rằng: Chưa bao giờ và
có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi hiểu được cặn kẽ ý nghĩa những ca từ mà nhạc sỹ họ
Trịnh đã đặt trong các ca khúc của mình. Tôi bay lên trong những giai điệu du
dương của ông và trong giọng ca mê hoặc của Khánh Ly. Đến khi hai câu cuối của
điệp khúc trong Hạ trắng ngân lên:
…Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu
Aó xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…
Thì hồn tôi đã bay
bổng phiêu du, mộng mị trong cõi vô định. Mùa hè xứ Huế từ Hạ Trắng tràn ra
mênh mang như những đêm trắng vùng Bắc cực huyền hoặc. Tôi mộng du trong vòm
trời mùa hạ tím lấp lánh kì ảo đó. Hạ trắng có thể nghe ở bất kì đâu
trên trái đất này, nhưng để thưởng thức Hạ trắng, thì nhất định phải
một lần đến Huế vào mùa hạ bạn ơi!
Mùa hạ Huế không chỉ có
những sắc màu lộng lẫy, những giai điệu huyền bí diệu kì, mà nó còn có cả hương
thơm lẩn quất nồng nàn, lúc nhặt lúc khoan vời vợi. Đó là hương sen từ Hồ Tịnh
tâm đang lan tỏa khắp khung trời Đại Nội lúc hạ về.
Hờn dỗi bởi sự bởi sự lạnh
nhạt của lòng người, sen Tịnh Tâm đã bao năm vắng bóng. Hồ Tịnh Tâm rau muống
tràn lan cùng cỏ dại, mặt nước ngầu bọt bởi sự ô nhiễm khủng khiếp như một sự
bức tử lạnh lùng. Nhưng may thay, tình yêu tự thẳm sâu trong lòng những người
con Cố Đô đã trỗi dậy. Sông Ngự Hà được khơi thông, dòng nước trong veo đã xin
lỗi và gọi mời những mầm sen hờn dỗi nằm im trong bùn sâu dưới đáy hồ thức dậy.
Nước mắt chảy tràn trong phút giây trở về đoàn tụ giữa Sen và đất Cố Đô
trong nắng hạ cảm động biết bao:
Bồi hồi gặp lại Cố Đô
Gió rung trắng cánh sen hồ Tịnh Tâm…
Trên mọi nẻo đường thành
nội hôm nay, mỗi buổi sớm những gánh hoa trăm hồng ngàn tía, trong đó có những
bó sen hồng, sen trắng theo chân những tà áo tím của các o, các mệ tỏa
khắp phố phường mang hương sen hồ Tịnh thấm đẫm muôn nơi, làm cho nắng hạ xứ
Huế bồi bồi khôn tả. Hồ Tịnh Tâm đang dần trở về với vị trí một trong hai mươi
thắng cảnh nổi tiếng nhất của đất Thần Kinh. Giữa mùa sen nở, mỗi khi đi trên
cầu Hồng Cừ dẫn vào đảo Bồng lai, tôi luôn có cảm giác bồng bênh trên những đám
mây sen, lung linh màu sắc vậy. Cả mặt hồ rộng lớn rực rỡ sen hồng, sen trắng.
Muôn vàn những lá sen xanh biếc phủ kín mặt hồ làm mát dịu cả khung trời mùa
hạ. Ngồi bên tách cà phê trên đảo Bồng Lai, hương sen dâng ngào ngạt, đầy ắp
trong tâm hồn tôi. Ngước lên cao, bầu trời mùa Hạ xứ Huế trong vắt diệu kì,
trái tim tôi rung lên tiếng gọi: Sen đã nở rồi, về thăm Huế đi em!
Huế 22/7/2012
Hoàng Thảo Chi
Hoàng Thảo Chi
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Huế ngày 25.7.2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Huế ngày 25.7.2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Văn xuôi
Hoàng Thảo Chi
Các quý vị du khách thân yêu đang có mặt và sắp có mặt ở Huế ơi!
Nếu các quý vị đến thăm Huế, tôi khẩn khoản đề nghị các vị một điều không nên
bỏ lỡ: Ấy là, nhất định các quý vị phải sắp xếp thời gian để cùng những người
thân tản bộ ít nhất một lần trên cầu Trường Tiền vào buổi tối. Ở Huế, tất nhiên
là có vô vàn các điểm đến hấp dẫn. Nhưng theo tôi thì cầu Trường Tiền là điểm
đến lãng mạn nhất, ấn tượng nhất.
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
ĐC:
108 Phan Văn Trường, TP Huế.
ĐT:
0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
CHUYỆN XẢY RA TRÊN CẦU TRƯỜNG TIỀN.
Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Em qua không kịp, tội lắm anh ơi
Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa…
(
Ca dao)
Các quý vị du khách thân
yêu đang có mặt và sắp có mặt ở Huế ơi!
Nếu các quý vị đến thăm
Huế, tôi khẩn khoản đề nghị các vị một điều không nên bỏ lỡ: Ấy là, nhất định
các quý vị phải sắp xếp thời gian để cùng những người thân tản bộ ít nhất một
lần trên cầu Trường Tiền vào buổi tối. Ở Huế, tất nhiên là có vô vàn các điểm
đến hấp dẫn. Nhưng theo tôi thì cầu Trường Tiền là điểm đến lãng mạn nhất, ấn
tượng nhất. Đến giữa cầu, xin các vị hãy dừng lại một chút, đặt tay lên cái bờ
cong của vài cầu, phóng tầm mắt nhìn xuôi về hạ lưu dòng Hương (phía Cồn Hến),
rồi thầm đọc bốn câu ca dao xưa về cầu Trường Tiền mà tôi đã chép ở trên...
Nhất định các quý vị sẽ có những cảm nhận vô cùng thú vị. Nhà thơ quá cố Thu
Bồn, một lần thăm Huế đã làm đúng như thế, nên ông đã viết được bài
thơ Tạm biệt Huế hay nức nở… Và còn vô vàn những giai thoại
khác về cầu Trường Tiền mà ngay cả dân Huế gốc cũng không sao nhớ hết. Nếu các
quý vị chưa nghe một câu chuyện nào liên quan đến cầu Trường Tiền, tôi xin kể
hầu mọi người một câu chuyện mà tôi đã nghe lỏm được, mong mang đến cho quý vị
một kỉ niệm thú vị nho nhỏ. Và qua nó, có thể các quý vị sẽ thêm mến yêu cây
cầu tuyệt đẹp của đất Thần kinh này. Mời các quý vị cùng nghe nhé:
...Vào một buổi chiều đầu
mùa mưa, lúc mà trên cầu Trường Tiền của xứ Huế mộng mơ ken dầy những người và
xe cộ lúc tan tầm. Đột ngột một tiếng hét thất thanh váng lên, át cả tiếng gầm
rú của đủ mọi thứ động cơ:
- Đừng nhay…ay…ay…nhảy…
Tiếng hét tựa một cú phanh
gấp, làm cho dòng xe cộ lập tức đứng sựng lại. Mọi người há hốc miệng nhìn lên
bờ cong của cái vài cầu. Một nữ sinh trong tà áo trắng muốt, đứng sững trên đó
từ lúc nào, và trong tư thế sẵn sàng lao xuống dòng sông đang cuộn chảy.
- Xuống đi…xuống đi…xuống
đi…
Đám đông gần như đồng
thanh năn nỉ. Nhưng vô ích! Âm thanh rền rĩ của những tiếng năn nỉ lúc này tựa
như một cú hích, khiến cô gái lao vút xuống dòng sông như một mũi tên trắng.
Mọi người rú lên, nhắm tịt mắt lại. Sau giây phút kinh hoàng đó, mọi người bỏ
hết xe cộ tràn ra thành cầu, nơi mà cô gái vừa nhảy xuống. Chưa có bất kì một
phương án nào kịp đưa ra, thì "ùm”… một mệ già khoảng năm lăm, sáu mươi
chi đó đã bật khỏi thành cầu, rơi thẳng xuống ngay chỗ cô gái vừa lao xuống.
Đám đông lại thi nhau la
hét, rối loạn. Người thì cho rằng mệ già vừa rơi xuống sông là mẹ cô gái nhảy
xuống cứu con. Người thì cho rằng mệ bị đẩy rơi xuống sông… phen này thì chết
cả hai mạng người như chơi!! Một hai thanh niên đang vội vàng cởi áo định lao
xuống ứng cứu… Nhưng hình như, không cần thiết nữa. Chỉ sau vài giây chìm
nghỉm, mệ già đã trồi lên mặt nước, nhẹ nhàng lựa sóng bơi lướt như một Kình
ngư lão luyện. Đám đông đồng loạt trố mắt nhìn xuống, không ai dám thở mạnh.
Sau dăm phút vật lộn với
sóng nước, vật lộn với chính cái kẻ không muốn sống kia, cộng với sự trợ giúp
của chiếc ca nô cứu sinh, Mệ già túm được tóc, lôi "Mũi tên trắng” lên bờ.
Trả nạn nhân cho công an xong, Mệ già nằm vật ra thảm cỏ, miệng phun nước phì
phì…
- Thưa Mệ! Xin Mệ cho
biết: Với động cơ nào thúc đẩy, mà Mệ đã dũng cảm lao xuống dòng lũ để cứu nạn
nhân vậy?
Không biết từ đâu, ba bốn
phóng viên các nhà đài thình lình xuất hiện, chĩa các micrô vây lấy Mệ để phỏng
vấn. Mệ già ngồi bật dậy, nhìn lên trên cầu với đôi mắt nảy lửa, miệng đay
nghiến:
- Động...động...động cái
gì? Có động đất, động mồ, động mả thì có. Tui đang đi bộ trên cầu thì thấy cô
nớ lao xuống sông, bao nhiêu người xô tới, chen bật tôi khỏi cầu... may tui quê
vùng bể biết bơi, chứ không chừ đã trôi thấu biển Thuận An, chui vô ruột cá
rồi... Còn đâu mà động với đậy!!!
Mệ bực bội bỏ đám phóng
viên đứng chưng hửng, rồi leo lên dốc chân cầu. Vừa đi vừa làu bàu:
- Con với cái, nuôi phí cả
cơm… Lạnh quá đi mất, lại còn mất cả đôi dép... bực cả mình!!!
Một rừng âm thanh bùng lên
trên cầu, một trận mưa dép, áo vây lấy Mệ:
- Hoan hô... hoan hô Mệ
Kình Ngư... Tặng Mệ áo và dép đây...
Mệ già ngẩng lên, đầu lắc
lắc vẻ ngán ngẩm. Nhưng cuối cùng mệ cũng mỉm cười:
- Hoan hô cái con khỉ!!!
Mà sao ném xuống nhiều áo, nhiều dép rứa? Tui chỉ mượn một đôi dép với một cái
áo khoác thôi. Sớm mai tui mang ra đồn công an tui trả. Các người xuống lượm
hết áo với dép lên không bẩn hết. Tui không cần mấy người hoan hô, chỉ cần mấy
người đừng dại dột... làm khổ mọi người là được...
Mệ chọn một đôi dép vừa
chân, nhặt một chiếc áo, khoác lên người rồi leo lên đường, hòa vào đám đông
mất hút. Chỉ còn những giọt nước sông Hương từ quần áo, thân thể người Mệ nhỏ
xuống, tạo thành một vệt ướt cắt ngang mặt đường dẫn lên cầu Trường Tiền, minh
chứng cho câu chuyện vừa xẩy ra…
Không, tôi không nghĩ vệt
ướt đó chỉ là nước sông Hương, mà nó còn là những giọt mồ hôi, những giọt nước
mắt cần lao của những người Mệ kiên cường xứ Huế, đã bao đời thấm đẫm, thêu
dệt, dựng xây nên những huyền thoại tuyệt vời cho xứ sở mộng mơ này.
Còn các quý vị du khách,
các vị nghĩ gì về câu chuyện này? Đó là kết luận riêng của mỗi người. Còn tôi,
tôi chỉ mong câu chuyện vừa kể, góp vui đôi chút cho các quý vị trong những
ngày thăm Huế. Và còn nhiều chuyện vui khác nữa, tôi mong được kể hầu các quý
vị vào những dịp hội ngộ lần sau .
Huế 10/6/2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Huế ngày 13.6.2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
______________________________________________
Văn xuôi Hoàng Thảo Chi
Lúc con gái tôi khoảng ba tuổi, cứ chiều mát tôi lại đèo con trên xe đạp đi một
hai vòng trên đoạn quốc lộ chạy sát qua nhà. Dạo ấy đoạn đường này đầy những ổ
gà, ổ voi. Ngày nào cũng thấy mấy tổ công nhân lui cui đào đào, bới bới vá
đường. Một hôm, cũng như thường lệ, ba con tôi đưa nhau đi chơi. Thấy mấy bác
công nhân rưới một xô nhựa đường xuống mảng đường vừa vá xong, khói bốc lên
nghi ngút, khét lẹt, nó hỏi:
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên
thật Hoàng Văn Luận
ĐC:
108 Phan Văn Trường, TP Huế.
ĐT:
0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
VÁ ĐƯỜNG
(Tặng
con gái nhân ngày sinh 5/5)
Lúc con gái tôi khoảng ba tuổi,
cứ chiều mát tôi lại đèo con trên xe đạp đi một hai vòng trên đoạn quốc lộ chạy
sát qua nhà. Dạo ấy đoạn đường này đầy những ổ gà, ổ voi. Ngày nào cũng thấy
mấy tổ công nhân lui cui đào đào, bới bới vá đường. Một hôm, cũng như thường
lệ, ba con tôi đưa nhau đi chơi. Thấy mấy bác công nhân rưới một xô nhựa đường
xuống mảng đường vừa vá xong, khói bốc lên nghi ngút, khét lẹt, nó hỏi:
- Bác ấy làm gì thế Ba?
- Bác ấy vá đường.
Tôi trả lời rất nhanh, rồi lại
đuổi theo những suy nghĩ miên man trong đầu. Đi được một đoạn, con gái tôi im
lặng. Tôi chắc mẩm là câu trả lời vừa rồi đã làm nó thỏa mãn. Nếu không
cô nương chẳng để tôi yên. Vì thường ngày, mỗi buổi đi chơi, tôi phải trả lời
hàng tỷ câu chất vấn: Cái gì? Tại sao?... của nó. Tôi yên chí, tà tà đạp xe.
- Không phải!- Tôi giật
mình vì câu phản đối với ngữ điệu rất chi là cương quyết của cô con gái rượu.
Cái gì không phải hả con?
Cái gì không phải hả con?
- Không phải vá đường!
- Sao không phải?
- Bà ngoại vá áo bằng kim
chỉ cơ!!!
Chao ơi! Nhìn cái kiểu nó
trả lời: Cằm thì hơi vênh lên, môi thì mím lại… Tôi biết là lúc này có Thánh
cũng chẳng có cách chi để thể thuyết phục được cô nàng: Rằng thì vá đường là
như vậy chứ không cần kim chỉ!!!.
Đến tận bây giờ (Sau hai
mươi hai năm), vì ở cách xa, nên câu chuyện "Vá đường” của ba con tôi vẫn
chưa thống nhất với nhau được. Mỗi lần gặp những cảnh vá đường, tôi lại nhớ
ngay cái vẻ mặt đầy tự tin và cái giọng nói dứt khoát của con gái tôi lúc đó:
Bà ngoại vá áo bằng kim chỉ cơ!
Phải rồi: Vá áo bằng kim
chỉ, vá đường bằng sỏi đá, còn vá nỗi nhớ thương thì bằng gì??? Điều đó có ai
trả lời được không các quý vị? Hãy giúp tôi với!
Huế 29/4/2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại ngày
15.7.2014
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Huế ngày 02.5.2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét