Vẻ đẹp của những mảnh vỡ – Tiểu luận phê bình Phạm Quỳnh An (Hà Nội)
Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013
Một mùa thu cách đây khoảng chục năm, tôi về chơi nhà người bạn ở Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có dòng sông Đà lấp lánh gợn sóng bên cạnh những ruộng ngô và những con đường đất đỏ. Hoàng hôn bữa ấy, tôi cùng bạn đi dọc bờ sông Đà để chụp ảnh và tìm những “di sản” còn sót lại từ những vật dụng cũ đã bị chôn vùi dưới lớp đất bồi phù sa. Một người bạn ở Hà Nội chuyên sưu tập đồ cổ và đồ giả cổ; chúng tôi phát hiện ra ở bờ sông Đà này có nhiều bát, đĩa, bình vôi cũ nên tìm chúng để mang về cho anh. Và mặc dù không hy vọng những đồ vật cũ và chẳng bao giờ có thể lành lặn trở lại ấy có chút hữu ích đối với người bạn ở Hà Nội, chúng tôi vẫn say sưa tìm.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Phạm Quỳnh An
Tên Phạm Quỳnh An
Sinh năm 1982
Quê quán: Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định
Thường trú: Huyện Thanh Trì – Hà Nội
Thạc sỹ Văn học - Chuyên viên nghiên cứu Văn học
Cơ quan công tác: Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam
Email: quynhantb@gmail.com
_____
VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG MẢNH VỠ
Một mùa thu cách đây khoảng chục năm, tôi về chơi nhà người bạn ở Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có dòng sông Đà lấp lánh gợn sóng bên cạnh những ruộng ngô và những con đường đất đỏ. Hoàng hôn bữa ấy, tôi cùng bạn đi dọc bờ sông Đà để chụp ảnh và tìm những “di sản” còn sót lại từ những vật dụng cũ đã bị chôn vùi dưới lớp đất bồi phù sa. Một người bạn ở Hà Nội chuyên sưu tập đồ cổ và đồ giả cổ; chúng tôi phát hiện ra ở bờ sông Đà này có nhiều bát, đĩa, bình vôi cũ nên tìm chúng để mang về cho anh. Và mặc dù không hy vọng những đồ vật cũ và chẳng bao giờ có thể lành lặn trở lại ấy có chút hữu ích đối với người bạn ở Hà Nội, chúng tôi vẫn say sưa tìm.
Chúng tôi bới được khá nhiều những bát đĩa cũ vỡ. Chúng hiện ra dưới lớp đất, mang cái vẻ lặng thầm như bấy lâu nay vẫn thế, im ắng nằm đó bên cạnh bốn mùa đầy vơi sông Đà. Có những mảnh cũ kĩ mà đẹp lạ lùng. Chúng có đường vân in màu thời gian và đẹp bởi lẽ gì đó mà chính tôi cũng không hiểu được. Vì chẳng cái nào may mắn còn nguyên lành, nên khi gom tất cả cho vào thùng để mang về Hà Nội, tôi đùa, ghi bên ngoài dòng chữ: “Những mảnh vỡ”. Vâng, từng cái một chúng chẳng là gì cả, không phải đĩa, không phải bát, không phải bình vôi… Chúng chỉ là những mảnh vỡ.
Nhưng không phải dưới bất cứ ý nghĩa nào, mảnh vỡ hay nỗi buồn, sự đau khổ, tuyệt vọng, sự xấu xí, cái ác… cũng đáng vứt bỏ. Đối với nghệ thuật, tất cả những gì tồn tại trong cuộc sống đều cần phải được phơi bày, hơn thế, còn phải được điểm tô để nâng nó lên thành biểu tượng của hiện thực, và nói như cách diễn đạt của Milan Kundera trong cuốn phê bình tiểu luận Những di chúc bị phản bội nổi tiếng của ông: phải hiểu và diễn tả được “vẻ đẹp” của chúng. Ông cho rằng cảnh đẫm máu, sự man dã, cái ác có vẻ đẹp của nó mà những kẻ lăm lăm kiếm tìm trong tác phẩm nghệ thuật một thái độ chính trị, triết học, tôn giáo… không bao giờ có thể hình dung được. Ông cũng cho rằng, để hiểu biết đến tận cùng một hiện tượng nào đó ta phải hiểu được vẻ đẹp của nó, rằng thấy được vẻ đẹp của cảnh đẫm máu ta mới thấy nó thật ghê rợn. Milan Kundera gọi đó là “vẻ đẹp gây tai tiếng của cái ác”.
Văn học nghệ thuật, ở góc độ nào đó, có thể ca tụng sự đau khổ của con người hay coi nó như một yếu tố mỹ học. Khi nào chúng ta còn cần văn học như một niềm an ủi thì lúc đó những đớn đau, trống rỗng, những tuyệt vọng, cô đơn, những mảnh vỡ, những điều không hoàn hảo vẫn còn có ý nghĩa.
Không hiểu sao trong cuốn Tản mạn nghiệp văn, nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn lại cho rằng văn chương chân thực phải thể hiện cả hai mặt tình cảm vui và buồn, “thiên về mặt nào cũng đều bất cập”. Tôi không biết ý anh muốn nói “văn chương chân thực” là để phân biệt với loại văn chương nào, cũng không hiểu ý anh muốn nói tới yêu cầu thể hiện vui và buồn trong mỗi một tác phẩm hay trong văn chương nói chung, nhưng dẫu Đinh Quang Tốn có ý định nói theo cách nào thì tôi thấy cũng không ổn. Đành rằng vui và buồn là hai mảng của hiện thực, đành rằng văn chương phải phản ánh cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà trong một bài thơ, thi sĩ phải viết cả về niềm vui và nỗi buồn. Cũng chẳng có nền văn học nào hay quan niệm văn học nào lại có thái độ cực đoan đến nỗi chỉ viết về vui hoặc buồn. Điều quan trọng là vui đúng chỗ và buồn đúng chỗ. Quan trọng hơn nữa là cái vui cái buồn ấy được gắn với một ý nghĩa nào đó để có thể trở thành một giá trị nghệ thuật.
Xônya được chàng trai quỳ sụp dưới chân. Raxkônnikốp - nhân vật chàng trai của Dostoievski – đã trả lời khi cô hỏi tại sao làm vậy với một cô gái điếm: “Không phải tôi cúi lạy em, tôi cúi lạy trước nỗi thống khổ của loài người”. Sự giết chóc, tội lỗi, cái chết, cách làm tiền rẻ rúng… chất đầy trong Tội ác và hình phạt, nhưng Dostoievski muốn gửi gắm không phải bản thân những điều ấy. Ông phơi bày tội ác để qua vẻ đẹp của nó, người ta thấy nó ẩn chứa không chỉ khả năng trở nên ghê rợn của con người mà còn là nỗi đau khổ của họ, những bi kịch vô lý không giải thích được trong tâm trí và hành xử của họ. Raxkônnikốp không quỳ lạy cô gái điếm, anh ta quỳ lạy nỗi thống khổ của loài người mà cô gái điếm là biểu tượng, nỗi thống khổ được dồn tụ cao độ ở cô, ở chính việc làm điếm của cô mà chỉ có kẻ giết người như anh ta mới thấu hiểu được. Điều mà Dostoievski muốn thể hiện không phải bản thân tội ác mà là những khả năng của nó trong việc biến thế giới thành nơi chứa đựng đau thương và bi kịch. Stefan Zweig đã viết về Dostoievski như sau: “Người sáng tạo ra Karamazôv, ra người sinh viên trong Tuổi thanh niên, ra Xtavrrôghin trong Những người quỷ ám, ra Xviđrigailôv trong Tội ác và hình phạt, ra những kẻ cuồng nhiệt về xác thịt, những kẻ đắm say khoái lạc, những bậc thầy từng trải của sự trụy lạc, người đó am hiểu những hình thức hèn hạ nhất của sự dâm ô vì đã trải nghiệm chúng; bởi vì phải có một tình yêu trí tuệ đối với sự trụy lạc mới có thể làm cho các nhân vật của mình sống động một hiện thực tàn nhẫn đến như vậy”1
Nhưng đau thương và bi kịch trong tác phẩm của Dostoievski thường không mang dáng vẻ của những đau thương và bi kịch thông thường. Ông cường điệu nó bằng các nhân vật bất thường của mình song bên cạnh đó lại khoác cho sự đau khổ trong tâm hồn nhân vật hoặc một lòng say mê hoặc một khoái lạc không cưỡng lại được. Sự trừng phạt được khắc họa song hành với tội ác, nhưng nó không phải là nỗi ăn năn. Nó chỉ là nỗi đau khổ không kiểm soát được của con người, nỗi đau khổ bao trùm lên cả tội ác, nỗi đau khổ không phải từ tội ác sinh ra mà chính nó dẫn dắt tội ác, nỗi đau khổ to lớn đã biến tội ác gần như thành vô nghĩa lý. Tiếp cận với tác phẩm của Dostoievski là tiếp cận với một thế giới của đau khổ. Đó là nỗi đau khổ đủ lộng lẫy để người ta có thể quỳ lạy như trước bất cứ một vẻ đẹp lớn lao nào.
Trong suốt chục năm qua, tôi vẫn giữ lại cho mình một chiếc đĩa tìm thấy trong buổi hoàng hôn bên sông Đà ấy. Tất nhiên đó gần như chỉ là một nửa chiếc đĩa, nửa còn lại có thể vẫn nằm sâu dưới mấy lớp đất bồi. Những đồ vật cũ kĩ ngày ấy được bạn tôi – người chuyên sưu tập đồ cổ và đồ giả cổ - vô cùng nâng niu, bởi với anh, chúng là kỷ vật của thời gian, của lịch sử. Nhưng còn với tôi? Bấy lâu nay tôi vẫn không ngừng tự hỏi sao mảnh vỡ ấy lại có ý nghĩa với mình đến vậy; mỗi khi nhìn ngắm nó tôi không khỏi nhớ tới vùng đất ấy và những tháng ngày ấy. Nhiều khi nỗi nhớ khiến tôi bật khóc…
----
(1) Stefan Zweig, Ba bậc thầy Đôxtôievxki, Banlzăc, Đickenx (Nxb. Giáo dục, 1996), tr.42.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Đông -HN ngày 03/07/2013
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Đông -HN ngày 03/07/2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét