Văn học và những ngộ nhận – Tiểu luận phê bình Phạm Quỳnh An (Hà Nội)
Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013
Ngồi trước tôi là nhà thơ Thạch Quỳ, người con của huyện Đô Lương, Nghệ An. Ở đó, làng Đông Bích, xã Trung Sơn quê ông có ngọn Quỳ Sơn mà người dân thường gọi bằng cái tên giản dị Rú Cuồi, nơi tuổi ấu thơ của Thạch Quỳ đã trôi qua với những buồn vui ngày chăn trâu cắt cỏ. Rú Cuồi có rất nhiều đá, Thạch Quỳ thường ngồi trên những tảng đá ấy sáng tác thơ.
Tác giả Phạm Quỳnh An
Tên Phạm Quỳnh An
Sinh năm 1982
Quê quán: Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định
Thường trú: Huyện Thanh Trì – Hà Nội
Thạc sỹ Văn học - Chuyên viên nghiên cứu Văn học
Cơ quan công tác: Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam
Email: quynhantb@gmail.com
_____
VĂN HỌC VÀ NHỮNG NGỘ NHẬN
Ngồi trước tôi là nhà thơ Thạch Quỳ, người con của huyện Đô Lương, Nghệ An. Ở đó, làng Đông Bích, xã Trung Sơn quê ông có ngọn Quỳ Sơn mà người dân thường gọi bằng cái tên giản dị Rú Cuồi, nơi tuổi ấu thơ của Thạch Quỳ đã trôi qua với những buồn vui ngày chăn trâu cắt cỏ. Rú Cuồi có rất nhiều đá, Thạch Quỳ thường ngồi trên những tảng đá ấy sáng tác thơ. Cái tên “Thạch Quỳ” bắt nguồn từ kỉ niệm thời nhỏ ấy, ông đã chọn nó để hoài niệm về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Giờ đây, tôi đang ngồi với ông trong căn nhà ở Phong Định Cảng, Thành phố Vinh, nhưng trong ánh mắt Thạch Quỳ dường như luôn ánh lên những hoài nhớ về vùng đất ấy…
Từ thời học lớp 7, Thạch Quỳ đã lặng lẽ chọn một góc nhỏ ở Rú Cuồi ngồi viết tiểu thuyết, gửi cho Nhà xuất bản Thanh Niên nhưng không được in. “Có lẽ vì những trang viết ngày đó quá ngô nghê”, ông nói. Sự khước từ đầu tiên ấy của văn học không khiến ông nản lòng, nhưng có lẽ từ buổi ấy ông cũng nhận ra một điều rằng thơ là lối đi phù hợp hơn với mình. Năm 1960, Thạch Quỳ vào học Đại học Sư phạm Vinh. Cùng năm này, bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí có uy tín của văn học nước nhà (tạp chí Văn nghệ quân đội) có nhan đề và nội dung khá bình thường đơn giản: Mà thương cũng nhiều. Nhớ lại cảm giác lúc đó, ông cười lớn: “Nước ta những năm 60 rừng rậm và hổ nhiều, khắp nơi nơi tuyên truyền, cổ động cho việc diệt hổ. Bài thơ Mà thương cũng nhiều của tôi biểu dương anh bộ đội diệt hổ. Ngày đó là như vậy, chứ giờ thì hổ trở thành vật cần được bảo tồn rồi. Dù sao ngày ấy được đăng thơ, giống như những người khác được đăng lần đầu, tôi xúc động lắm, cứ ngắm nghía trang thơ in bài của mình, đọc đi đọc lại mãi”.
Những năm 1965 – 1966 của thế kỷ trước là thời gian Thạch Quỳ “viết dày” nhất. Năm 1967 ông ra tập thơ đầu tiên: “Sao và đất”. Tiếp đó, cứ vài năm ông lại xuất bản một tập mới: Tảng đá nhành cây (1973), Điệu hát nguồn sống và đất (1978), Nguồn gốc cơn mưa (1978), Con chim tà vặt (1986), Cuối cùng vẫn một mình em (1986), Đêm Giáng sinh (1990); và gần đây nhất là tập Bức tường (2009). Không phải là người viết nhanh và nhiều, nhưng mỗi tập thơ, mỗi bài thơ được Thạch Quỳ chọn lựa, sửa sang cẩn trọng về cả nội dung và hình thức. Từ những trang viết “ngô nghê” của cuốn tiểu thuyết không được in, đến bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, cho đến tận những bài thơ gần đây là cả một quá trình tìm tòi, suy ngẫm về văn học của Thạch Quỳ. Quan niệm thơ phải ghi dấu phong cách và sự tìm tòi riêng của tác giả, Thạch Quỳ không cho phép mình có những chọn lựa quá dễ dàng. Khi được hỏi về văn học hiện nay, Thạch Quỳ lắc đầu: “Bây giờ họ cầm bút dễ dãi, đơn giản quá. Người nào cũng có thể làm thơ, người nào cũng có thể được giải nọ giải kia… Có nhà thơ X. nọ là bạn của tôi, viết thơ không những không hay mà còn phản cảm, vậy mà vẫn được in, được khen…”. Thạch Quỳ tỏ ra rất bức xúc với việc người ta đang biến văn học thành nơi hỗn tạp, trong đó chứa cả những thứ phi văn học. Ông nói một cách dứt khoát: “Chúng ta phải tránh cho văn học những ngộ nhận”. Nhìn những nếp nhăn trên gương mặt Thạch Quỳ, tôi thấy được những nhọc nhằn của cả một cuộc đời, không phải là của cuộc đời chăn trâu cắt cỏ trên ngọn núi có nhiều đá ấy, mà là của một đời mải miết tìm kiếm chân lý cho văn chương. Cũng có lẽ, cả một đời thơ của mình, ông đã tìm kiếm để chối từ những ngộ nhận.
Trong giới văn học có những ngộ nhận thật đáng trách, đáng cười, nhưng cũng có những ngộ nhận thật đáng thương. Có nhà thơ trẻ nọ, không hiểu do những khát vọng văn chương xui khiến hay bởi một lý do riêng tư nào đấy, đã gần như hóa điên với điều tưởng tượng rằng mình được giải Nobel văn học. Lại có kẻ làm thơ kia, ảo tưởng trở thành hiện tượng văn học thế giới được nuôi dưỡng và ủ thành bệnh, anh ta vô cùng bất bình vì tác phẩm của mình không đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, đã viết hết thư này đến thư khác gửi các lãnh đạo Hội để tố giác về sự… thiếu công bằng. Tệ hơn nữa, anh ta tự nhận là thiên tài mà những sáng tác văn học của mình vượt lên trên tất cả các tác phẩm kinh điển và nổi tiếng nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Trong làng văn không thiếu gì những kẻ huênh hoang, tự cao tự đại tưởng mình là nhất. Nhưng họ - nhà thơ trẻ kia và người đàn ông cho mình là đại thi hào số 1 của Việt Nam – đáng trách hay đáng thương, khi những ảo tưởng của họ không còn đơn giản là sự ngộ nhận nữa mà đã trở thành bệnh? Tôi rất bất bình khi đọc một bài viết đăng trên báo Cảnh sát toàn cầu năm 2009. Một tác giả lấy tên là Hồ Điệp viết về nhà thơ trẻ kia (mặc dù không nói đích danh nhưng ai từng quen biết anh ta đều có thể dễ dàng nhận ra) như một kẻ huênh hoang không có lòng tự trọng. Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ anh ta là một thi sĩ đáng thương. Thơ của anh ta cũng không đến nỗi nào, nhưng căn bệnh đã giết chết hồn thơ ấy.
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ tới một chuyện từng gặp trong một lần công tác ở Hà Tĩnh. Không liên quan gì tới văn chương nghệ thuật, nhưng đó cũng là chuyện về một sự ngộ nhận đáng thương.
Đó là một ông già gần 80 tuổi ở thị trấn Thiên Cầm. Trước đây, ông từng làm đại diện thương mại của Việt Nam tại Bắc Kinh. Ông có một niềm đam mê lớn nhất đời là tìm hiểu vũ trụ. Tôi được xem rất nhiều bức ảnh “tự chụp bằng máy riêng” của ông, ở đó không hiểu bằng cách nào đấy mặt trăng và những vì sao hiện ra khá rõ nét. Ông say sưa kể về những hành tinh mà ông cho là có sự sống, rằng theo dõi các vì sao, ông thấy những con chim bay đến, đậu xuống cành cây, rũ lông rũ cánh rồi bay đi, rằng còn có một loài động vật nào đó cứ lang thang mãi trên mặt đất của vì sao nọ như đang tìm kiếm điều gì… Người đàn ông này đã bỏ ra gần nửa cuộc đời để tìm hiểu và chứng tỏ cho mọi người thấy những phát hiện mới mẻ của mình nhưng đều đã bị các cơ quan chức năng từ chối hợp tác và công bố. Trong một bức ảnh mà ông bảo đó là hình hai vật thể lạ trên mặt trăng, tôi giật mình khi thấy ông ghi dòng chữ chú thích phía dưới: “Một đôi mắt không bao giờ bị che lấp ở mặt trăng”. Ông nhờ tôi đưa những phán đoán của ông lên các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ ngày nào những phán đoán ấy còn nằm cô độc trong chiếc tủ riêng bí mật của ông thì ngày ấy ông còn đau khổ, trở trăn, và ông sẽ vẫn hướng về phía vũ trụ bất tận và lạnh nhạt kia với một đôi mắt chẳng bao giờ bị che lấp.
Tôi vừa thương vừa thấy quý mến con người ấy. Ông đã mất rất nhiều thời gian, công sức, trải qua biết bao khổ đau và cả những bẽ bàng nữa, để sống trọn với nỗi đam mê của mình, bởi ông có một tình yêu nồng nàn đối với thiên nhiên, với thế giới, với không gian khổng lồ, bí ẩn và rất đáng khám phá mà chúng ta đang ở trong nó. Ông khát khao mang lại được cho con người những kiến thức còn đang nằm ngoài tầm với của họ. Và ông không biết đó chỉ là một sự ngộ nhận. Nhưng trên đời này không phải sự ngộ nhận nào cũng có mục đích đáng trân trọng như thế.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Đông -HN ngày 04/07/2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét