Home
» Cập nhật lại
» Thư viện văn xuôi
» Nước mắt của hoa thiên lý – Tản văn Phạm Quỳnh An (Hà Nội)
Nước mắt của hoa thiên lý – Tản văn Phạm Quỳnh An (Hà Nội)
Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013
Tôi đến thăm bà ngoại trên một chiếc xe kì lạ, chiếc xe được đẩy bằng bàn chân của tôi, và tôi như thể đang bay trong gió… Tôi lướt trên đám đường đất nửa lạ nửa quen. “Nhanh nào, nhanh hơn nữa, thế, thế…”. Đón tôi là bà: “Bà đang ở bên nhà bà Hiệu”. “Vâng, cháu đến bây giờ đây”. Và tôi lao mình vào nơi ấy, nhanh như một cơn gió. Bà ngoại đang mặc chiếc áo vàng cộc tay quen thuộc, thấy tôi, đứng dậy dang hai tay ra đón. Tôi ào vào lòng bà, siết chặt tay bà với tất cả niềm khao khát. Trong đớn đau, trong nhung nhớ, tôi đã khóc. Cứ thế, tôi ủ mình vào lòng bà và khóc.
Tác giả Phạm Quỳnh An
Tên Phạm Quỳnh An
Sinh năm 1982
Quê quán: Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định
Thường trú: Huyện Thanh Trì – Hà Nội
Thạc sỹ Văn học - Chuyên viên nghiên cứu Văn học
Cơ quan công tác: Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam
Email: quynhantb@gmail.com
_____
NƯỚC MẮT CỦA HOA THIÊN LÝ
Tôi đến thăm bà ngoại trên một chiếc xe kì lạ, chiếc xe được đẩy bằng bàn chân của tôi, và tôi như thể đang bay trong gió… Tôi lướt trên đám đường đất nửa lạ nửa quen. “Nhanh nào, nhanh hơn nữa, thế, thế…”. Đón tôi là bà: “Bà đang ở bên nhà bà Hiệu”. “Vâng, cháu đến bây giờ đây”. Và tôi lao mình vào nơi ấy, nhanh như một cơn gió. Bà ngoại đang mặc chiếc áo vàng cộc tay quen thuộc, thấy tôi, đứng dậy dang hai tay ra đón. Tôi ào vào lòng bà, siết chặt tay bà với tất cả niềm khao khát. Trong đớn đau, trong nhung nhớ, tôi đã khóc. Cứ thế, tôi ủ mình vào lòng bà và khóc. Rồi, tôi tỉnh giấc, biết rằng trọn vẹn những điều vừa có chỉ là một giấc mơ. Riêng nước mắt thôi, vẫn còn trên khóe mắt tôi. Nước mắt có trong vòng tay bà. Tôi đưa tay lên chạm vào những giọt nước mắt, thấy hạnh phúc với ý nghĩ chúng vừa được sát bên bà, còn ấm nóng hơi bà…
Đã lâu rồi không khóc. Một người bạn nói anh đã lãng quên nước mắt trong sự tỉnh táo và cô độc đến tàn nhẫn. Có lẽ tôi cũng vậy. Hơn nữa, tôi đã lãng quên quá khứ. Tôi không phải là kẻ biết ngoái đầu nhìn lại khi đi. Những bước chân đánh lừa tôi, ồ không, tôi tự đánh lừa mình bằng những bước chân vội vã. Những bước chân phiêu lãng về phía ngày càng xa với dĩ vãng, với quê hương. Những bước chân ngày càng xa bà. Đôi lúc, tôi biết nơi ấy bà vẫn đợi tôi về trong mỏi mòn và thứ tha. Nhưng tôi đã tự trừng phạt mình bằng sự lãng quên, đơn giản bởi trên đời này còn gì đau đớn, mất mát hơn sự lãng quên?
Sắp đến tháng Năm rồi. Là tháng nắng nóng nhất, nồng nhiệt nhất của mùa hè. Hoa thiên lý sẽ nở thành một giàn hương thơm, tôi sẽ mua một ít thắp hương trên mộ bà. Bà thích hoa thiên lý. Bà vẫn thường xin về một nhánh, để trong túi áo cho thơm. Bà ơi! Cháu đã mang cho bà những bông thiên lý quá muộn mằn. Bao giờ cháu cũng là kẻ đến muộn: yêu thương cũng muộn, trở về cũng muộn, khóc cũng muộn… Hay vì cháu đã đi quá xa? Cháu đã đi quá xa khỏi bà, phải không bà ơi?
Cách đây hai năm, vào ngày bà mất, tôi là người duy nhất trong gia đình chưa về nhà. Một cuộc điện thoại. Chuông reo và tôi yên lòng khi thấy đó là cuộc gọi của gia đình. Nhưng, tôi đã không ngờ… Vẫn biết bà sẽ mất mà tôi không hình dung nổi cái ngày mình phải đón nhận điều đó. Nghe điện thoại, tôi đã thét lên, quẳng máy xuống và ngồi quăng mình vào bức tường ẩm ướt của căn phòng trọ mà khóc. Cả thế giới đã chết bởi tôi không còn cảm nhận được nó nữa. Chỉ còn tôi với nước mắt, tôi và nước mắt, tôi cùng nước mắt. Một người bạn đến, ôm tôi vào lòng. Tôi biết ơn chị bởi nghĩa tình ấy nhưng tôi hiểu nỗi đau này không gì an ủi được. Dọc đường về quê, ngồi sau xe máy anh họ, tôi lại tiếp tục với những giọt nước mắt. Con đường 140 cây số quá dài, quá trắc trở… Chuyến về quê hôm ấy là chuyến trở về lâu nhất, là quãng đường dài nhất. Tiếng khóc của tôi tan trong gió trời, loãng nhạt dần và trở nên hoàn toàn yếu đuối.
Khi tôi về nhà, trên gương mặt bà chỉ còn là giá lạnh. Cả đêm ấy tôi thức trắng bên quan tài để tiếp nến. Hết cây nến này đến cây nến khác lụi đi, còn tôi cứ gục xuống bên bà mà khóc. Dưới ánh nến, những hình thù trang trí trên cỗ áo quan trở nên hết sức lạ lùng. Chúng lộng lẫy, bí ẩn và dường như đang tiếp tục nói về sự sống chứ không phải cái chết. Đêm ấy có một người thức cùng tôi, thi thoảng đập đập tay vào vai tôi để an ủi và phát âm những lời gần giống với tiếng nói của một người bình thường (hoặc là chính tôi hiểu vậy), rằng: “Đừng, đừng khóc nữa!”. Người ấy, giờ cũng đã nằm dưới một nấm mồ xanh cỏ, gần với bà.
Đám tang trải dài trên con đường nhỏ dẫn vào đồng, hai bên lúa tháng Năm xanh mướt. Chưa bao giờ tôi thấy lúa xanh như thế. Có lẽ bởi nắng, bởi tháng Năm. Và nữa: bởi lòng người đang cần gì đó thật rực rỡ, tươi sáng.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Đông -HN ngày 05/07/2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét