Người tù trên đảo – Truyện ngắn Ngọc Châu (Hải Phòng)
Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011
Ngồi trong văn phòng Tổng giám đốc của một Tổng Công ty do thương binh quản lý Toan nhìn thấy bài báo viết về vụ vi phạm qui chế quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc. Theo thói quen của người bận nhiều công việc anh chỉ đọc lướt "theo chiều dọc", nhưng một tên người làm nhãn quang của anh chững lại và chợt thấy nhói đau cánh tay trái nơi mỏm cụt. Bỗng thấy bồi hồi - một cảm giác đã lâu không xuất hiện do áp lực khắc nghiệt của cuộc vật lộn với thương trường những năm gần đây. Quên đi điều đang suy nghĩ, hình ảnh về hòn đảo nằm ở tận cùng miền tây nam chợt trở về với anh sống động...
Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Ngọc Châu
NGƯỜI TÙ TRÊN ĐẢO
***
Ngồi trong văn phòng Tổng giám đốc của một Tổng Công ty do thương binh quản lý Toan nhìn thấy bài báo viết về vụ vi phạm qui chế quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc. Theo thói quen của người bận nhiều công việc anh chỉ đọc lướt "theo chiều dọc", nhưng một tên người làm nhãn quang của anh chững lại và chợt thấy nhói đau cánh tay trái nơi mỏm cụt. Bỗng thấy bồi hồi - một cảm giác đã lâu không xuất hiện do áp lực khắc nghiệt của cuộc vật lộn với thương trường những năm gần đây. Quên đi điều đang suy nghĩ, hình ảnh về hòn đảo nằm ở tận cùng miền tây nam chợt trở về với anh sống động...
Đó là lần đầu tiên anh đi máy bay và chuyến bay đó đã làm Toan nhớ suốt đời, dù về sau số phận còn để anh có dịp được bay trên những chuyến bay sang trọng của các hãng hàng không nội địa và quốc tế. Đi máy bay không phải mua vé, còn có xe chở ra tận chân cầu thang, tuy nhiên cứ hai hành khách thì phải mang thêm một đoạn xích vì các anh là đoàn tù binh đang bị áp giải đi đâu đó.
Kể lại câu chuyện lần đầu tiên đi máy bay lúc đang là tù binh, bị xiềng xích và bị nện tơi tả, đã khiến vài người không tin nên sau anh không nhắc lại chi tiết này nhưng đó là sự thực - thực như anh đang là thương binh cụt một bên tay. Ngày ấy anh em tù đoán non đoán già mà không hiểu bọn chúng chở mình đi đâu, người bảo có lẽ chúng đưa ra Côn Đảo nhưng một tù binh chắc là người Sài Gòn bảo xưa nay chúng thường chỉ giam tù chính trị và thường phạm nguy hiểm ở đấy thôi, còn tù binh thì... Vài người thì thầm "Hay chúng định chở anh em mình ra quăng xuống biển để thủ tiêu?...". Tất cả đều trong tâm trạng hoang mang nên tuy ngồi cạnh ô cửa kính nhưng Toan cũng chẳng còn lòng dạ nào để ngắm cảnh hoặc thưởng thức cảm giác của một người lần đầu tiên được đi "tàu bay", một điều xa vời vợi với ước mơ của anh khi còn là cậu học sinh trung học ở miền quê Kiến Thuỵ của thành phố duyên hải phía Bắc, hiện đang xa cách anh cả ngàn cây số.
Đó là năm 1972, Toan là tù binh đã bị giam ở trại Phước Long được bốn tháng sau lần bị thương và bị bọn lính Mỹ bắt trong một chuyến trinh sát phục vụ cho kế hoạch tấn công của tiểu đoàn. Hôm đó tiểu đội trinh sát của anh (thực chất thì chỉ có năm chiến sĩ) nhận nhiệm vụ tiềm nhập vào thị trấn sát khu căn cứ Long Thành điều tra lực lượng và hoả lực của địch. Công việc đã xong nhưng lúc quay về thì gặp quân tuần tiễu, toán trinh sát chia làm hai để hỗ trợ nhau vừa đánh vừa rút. Đã sắp thoát được hoả lực bắn thẳng AR 15 thì một trái M79 nổ ngay sau thân cây trước mặt làm anh tối tăm cả hai mắt và bị thương ở đầu gối. Không nhìn thấy gì nữa nhưng anh cố loạng choạng lẩn vào phía rừng, tuy nhiên chỉ được vài chục bước thì đã bị bọn Mỹ vây quanh. Nhận thêm một viên đạn vào đùi và một cú quật, có lẽ bằng báng súng sượt đầu xuống vai thì Toan lăn quay ra đất.
Anh bị đưa về căn cứ Long Thành. Rất may là chỉ bị xây xát lỗ chỗ ở vùng mặt quanh hai mắt và giác mạc bị tổn thuơng do đất cát văng vào, ba ngày sau anh đã nhìn được mọi vật tuy còn rức và nước mắt chảy nhiều. Chữa chạy của bọn Mỹ ngụy đối với tù binh rất qua quít nhưng do các vết thương đều không nguy kịch nên nửa tháng sau thì hầu như Toan đã khỏi. Chúng đánh và thẩm vấn nhưng anh chỉ nói là "cùng mấy anh em nhận nhiệm vụ vào thị trấn mua thuốc kháng sinh và thuốc sốt rét, sau đó đụng độ bên các ông, bị thương vào mắt nên bị bắt, mấy người kia không rõ tình hình họ ra sao."
Vào thời gian đó việc lính Bắc Việt bị bắt đã thành chuyện bình thường. Trường hợp của Toan không có gì đặc biệt, khai báo của anh chung chung và phù hợp với tin tức chúng đã có nên cuối cùng anh bị tống vào một trại tù binh ở gần khu Phước Long. Nhưng hôm nay, từng toán một các tù binh bị lùa lên xe bịt kín chở đi đâu đó. Nhóm Toan bị lùa lên chuyến xe đầu, không biết tiếp theo còn mấy xe nữa, chỉ biết là chạy chừng hai tiếng đồng hồ trên tuyến đường khá nhẵn nhụi, rồi tù binh trên xe bị lùa xuống một khu riêng quây tạm bợ xung quanh bằng tôn và vải dù ngụy trang loang lổ, có mấy chiếc máy bay không lớn lắm, sau này anh mới biết đó là máy bay vận tải quân sự DC3.
Tù nhân bị đẩy lên máy bay rất nhanh, vài người ngần ngừ lập tức bị đánh bằng dùi cui nên chỉ dăm phút sau chiếc máy bay chở quãng non ba chục người đã lăn bánh chạy ra khỏi khu có hàng rào tôn bao quanh, tiến ra phía con đường khá rộng và thẳng tắp chia đôi thảm cỏ xanh. Động cơ rồ lên mạnh mẽ rồi chỉ ít phút đã thấy máy bay ở trên trời, nhà cửa phía dưới loang loáng tụt lại dần, rất nhanh sau đó Toan thấy phía dưới là ruộng đồng bằng phẳng mênh mông có những con sông hay kênh rạch chia thành ô rất vuông vức. Rồi anh nhìn thấy biển.
Mặc dù đang hoang mang nhưng với thói quen của dân trinh sát Toan cũng ước tính được máy bay đã bay chừng bốn chục phút. "Không lẽ chúng sẽ đẩy tất cả xuống biển!?" Toan nghĩ và nhìn quanh. Tuy nhiên hai tên nguỵ và một tên Mỹ áp tải vẫn đang bình thản ngồi ở đầu và đuôi máy bay, không tỏ vẻ gì khẩn trương.
Việc máy bay hạ cánh rất bất ngờ đối với Toan vì ở chỗ anh ngồi chưa nhìn thấy đất liền đâu cả. Hoá ra tù binh bị chở ra đảo, sau anh mới biết mình đang ở trại giam trên đảo Phú Quốc khi tiếp xúc với số tù binh đã bị giam sẵn ở đây. Khu trại rất rộng nhưng hết sức tạm bợ, chỉ có các dãy cột bằng bê tông đúc sẵn căng thép gai bao quanh và ngăn chia ranh giới từng khu với những chòi canh nhô lên ở các góc. Nhà giam trông như những dãy chuồng bò, tất cả đều lợp tôn trên những khung cột kèo thép. "Bọn chúng ỷ vào địa thế biệt lập của hòn đảo nên chẳng đầu tư cái gì kiên cố cả" - Toan nghĩ khi anh nhìn một vòng toàn cảnh.
Mấy chiếc xe nhà binh chở tù từ sân bay dã chiến An Thới vào khu trại, kéo theo sau một bầu trời bụi bậm màu đất đỏ. Có tất cả bốn chuyến bay chở tù ra đảo, chuyến nọ cách chuyến kia chỉ quãng ba mươi phút nên chiều hôm đó việc chuyển tù đã xong. Tù nhân được tháo xích giằng nhưng không hiểu sao chỉ mươi phút sau lại có lệnh xích tay từng cặp hai người lại như cũ, chắc là bọn chúng sợ có sự lộn xộn do số tù tăng hơi đột biến - Toan nghĩ vậy.
Lần này Toan bị xích chung với một người khác, anh tù binh này cũng bị chở cùng một chuyến với Toan, lúc này không hiểu sao lại tình cờ đứng cạnh nhau và cùng chìa tay ra đón chiếc xích do hai tên coi tù thực thi nhiệm vụ.
- Nè, tui với anh Hai nằm vào góc này - Anh bạn tù cùng chung sợi xích mà Toan chưa kịp nhớ tên nói giọng nửa Trung nửa Nam chợt kéo tay anh. Anh ta chắc hơn Toan vài ba tuổi, chưa đến ba mươi, người to khoẻ, da ngăm đen. Các đơn vị lính Bắc, nhất là các tổ trinh sát thường được phiên chế vào một vài người địa phương vì họ thông thạo địa hình và để tiện trong giao tiếp với dân - Yên chí đi anh Hai, đây là quê tui, có thể miềng sẽ mần được điều chi. Nè, nhớ nói càng ít càng tốt đấy - Anh ta lại thầm thì vào tai Toan.
Không nói gì nhưng vài tuần sau đó Toan luôn để tâm quan sát và phân tích anh bạn tù này. Nghiệp vụ trinh sát cho anh thấy người này (tên là Bàu theo như anh ta nói) không phải là do bọn địch cài vào. Anh ta biết rõ hòn đảo này, cũng có thể là người ở đây thật nhưng đã lang bạt nhiều nơi, giọng không còn thuần phác địa phương. Những lúc cùng anh ta nấu cơm cho toàn "căng" (tù binh phải tự nấu lấy cơm, không có người dân đảo nào được vào trong khu trại lợp tôn với những hàng lưới thép gai dày vây quanh) Bàu thường kín đáo chỉ và nói cho Toan biết tên các dãy núi, miêu tả đường giao thông trên đảo, các đồn bốt chính của bọn ngụy, phía nào có rừng, phía nào ra biển, chỗ nào có dân chài, dân trồng tiêu, nuôi bò...
- Tui sanh ra ở đảo này - Bàu bảo Toan - tía má tui chết cả rồi, nhưng còn con em gái. Bà già mất sau ổng hai năm. Sau khi họ chết tui rời đảo vào Sài-gòn kiếm sống, lang bạt ra miền Trung lận vì cứ phải trốn quân dịch. Chừng đến mươi năm rồi đấy. Tui ra cứ ở Thừa Thiên, gia nhập quân giải phóng được hai năm thì bị bắt trong một trận chống trả tụi nó đổ bộ bằng trực thăng.
- Hèn nào anh thông thạo đảo này quá chừng.
- Anh Hai không nói nhưng nhìn anh tui biết là dân trinh sát, vì thế mới bắt quen để tính chuyện cùng trốn trại. Ra thoát bên ngoài mấy lớp rào kia thì khỏi lo. Anh hổng sợ chứ?
- Để xem đã - Toan chưa nhận lời ngay tuy trực giác cho anh niềm tin ở con người này.
Nhưng chẳng còn nhiều thời gian để đắn đo. Ngay chiều hôm đó anh và Bàu được cử đi dọn dẹp khu chuồng bò liền với trại tù, phía giáp núi. Đàn bò có đến hàng trăm con, cung cấp thịt cho sĩ quan và lính đồn trú khu An Thới ở phía nam đảo. Lâu lâu chúng mới cử tù binh đi quét dọn nên rất bẩn thỉu, phân bò phải xúc dọn vào một góc để bón cho vườn tiêu của ngài Đại tá. Hai tên ngụy coi tù hết sức đốc thúc nhưng đến giờ đưa tù về trại mà việc vẫn chưa xong hẳn. Chúng chửi hai người mấy câu, nói là nửa tiếng nữa nếu không dọn xong sẽ phải nhịn ăn tối.
Khoảng sáu giờ chiều thì đàn bò hàng trăm con kéo về làm bụi nổi lên mù mịt, đột ngột Bàu lại gần Toan nói khẽ:
- Tranh thủ cơ hội thoát ra ngoài theo nẻo kia (anh ta chỉ tay về phía con đường mòn dẫn lên núi), chỉ có vài tên lính chăn bò là có súng. Có cơ may tiếp cận thì hạ chúng ngay, không thì lẩn giữa đàn bò mà chạy đi.
Bàu vẫn một tay cầm chiếc xẻng lợi dụng màn bụi che mắt hai tên coi tù lẩn nhanh ra phía cổng trại bò, đắn đo vài giây rồi Toan cũng ẩn mình lẩn theo. Đến đúng cổng ra ngoài anh trông thấy Bàu đang giơ xẻng đập vào đầu tên lính ngụy đứng chắn ở một bên cổng, nhưng một con bò xô vào người anh ta nên cú đánh truợt đi. Tên lính hoảng hốt vừa né một cặp sừng bò vừa đưa khẩu AR 15 lên cao hơn tầm lưng bò để bắn vào Bàu thì Toan đã tiếp cận. Bằng một cú nhử anh tóm được tay tên ngụy, rồi đòn Ju-đô tiếp theo làm hắn văng qua lưng con bò mộng, Toan định cố nhặt khẩu súng đang bị chân cẳng lũ bò giẫm đạp lên thì Bàu ra hiệu chạy đi.
Tiếng la thét rồi tiếng súng vang lên ở cả bên trong và bên ngoài khu chuồng bò làm đàn bò hoảng sợ chạy tán loạn. Hai tù binh tận dụng cơ hội chạy vào con đường mòn dẫn lên núi rồi lúc nấp vào sau các hòn đá, lúc chạy len lỏi giữa cây cối tránh đạn bắn theo, chẳng mấy chốc họ đã vượt sang bên kia núi.
Rừng và biển cùng một màu xanh giang tay đón họ, cũng không thấy bọn ngụy có động tĩnh gì thêm. Có lẽ chúng hoàn toàn bất ngờ vì xưa nay chưa có truờng hợp nào tù binh trốn trại, vì nếu trốn chẳng chóng thì chày cũng bị tóm lại hoặc chết đói mà thôi.
Suốt hai ngày toàn ăn tôm, cá, trai, sò bắt thẳng từ biển lên một cách dễ dàng bằng đôi tay ngư dân bẩm sinh của Bàu, hai người cứ theo bờ biển phía đông đảo lúc lội biển, lúc leo núi vượt rừng ngược lên phía bắc, rồi đêm thứ hai vượt ngang sang phía Tây đảo tới khu vực Hàm Ninh. Tại đây họ bắt được liên lạc với đội du kích trên đảo và điều đặc biệt vui mừng với Bàu là gặp lại cô em gái cũng là đội viên du kích...
Tiếng chuông điện thoại làm cắt ngang dòng suy nghĩ. Toan đứng lên trao đổi vài chi tiết của bản hợp đồng với đối tác rồi anh rời phòng làm việc sau khi dặn cô thư ký mấy câu. Anh bảo lái xe đưa ra biển, chọn một nhà hàng vắng khách gọi mấy thứ đồ uống tới chiếc bàn trông ra biển và bảo bà chủ là muốn được yên tĩnh một mình.
Biển quê anh khác xa với biển quanh hòn đảo anh từng bị cầm tù. Dập dờn và mênh mông mặt biển màu nâu nhạt trước mắt Toan lúc này, nơi có bóng mây mặt nước biến thành màu sô-cô-la. Dải ven bờ thực sự là bùn với những con cá tràng xay gày guộc và lũ còng đỏ gọng di động từng đoạn một dưới ánh nắng đầu hè gay gắt, trông máy móc như đồ chơi vặn cót của bọn trẻ.
Nơi ấy, biển Phú Quốc xanh ngắt một màu, cát trắng ven bờ chỉ hơi ngả vàng, tôm cá thì khỏi nói. Chưa ở đâu anh thấy nhiều hải sản đến như vậy. Toan nhớ những lần anh cùng với Bĩnh cải trang theo ngư dân đi đánh cá - Bĩnh là cô em gái Bàu, cái tên cô gây buồn cười cho anh vì hình dung đến một thằng cu đang ị ra chiếu, anh muốn đổi tên cho cô nhưng cô không chịu, bảo tên ấy là do tía má đặt cho, tuy vậy anh toàn gọi chệch cô là Bình. Đứng trên thuyền ở bến cá anh thấy trên mặt nuớc kín đặc những con cá nhỏ bằng chiếc đũa, sâu xuống độ hơn gang tay là lớp cá thứ hai to cỡ hai ba ngón tay, cũng dày đặc như vậy, dưới chút nữa là tầng cá gồm những con to bằng bàn tay. Khi lấy chiếc sào nhỏ xua cho các lớp bơi bên trên dạt ra sẽ thấy gần đáy là những con cá to hàng ki lô gam trở lên lượn đi lượn lại. Cái gì cũng nhiều, đến mức làm anh phát hoảng.
Anh nhớ tới lần anh và Bĩnh đang kéo chiếc lưới nhỏ bắt ít tôm cá ăn tạm, sau một trận phá rối không cho bọn ngụy làm con đường nhựa từ An Thới đi Dương Đông. Dựa vào dãy núi đá dọc phía tây đảo làm căn cứ, ban đêm du kích lẻn ra gài mìn, ban ngày bắn tỉa, thỉnh thoảng có được mấy quả M79 lại chọi vào xe gạt, xe lu của bọn chúng. Họ liên tục phá rối làm cho đoạn đường chạy sát núi này phải bỏ dở, mấy năm liền bọn Mỹ nguỵ không thể nào triển khai được con đường huyết mạch nối phía Bắc với phía Nam đảo. Hôm ấy hai người cùng lội dưới biển, Toan cởi trần, quần đùi còn Bĩnh vẫn mặc quần đen và áo sơ mi. Bất chợt thấy toàn thân mình như bị một rừng gai đâm vào khiến Toan kinh hoảng nhảy dựng lên, cùi tay đập vào bộ ngực căng đầy của cô du kích.
- Ây da, cái anh chết bầm này. Lũ tép moi mà làm như thấy cọp vậy nè! Ai biểu cứ trần trụi!- Cô xấu hổ vừa mắng vừa đỏ mặt lên.
Quả thật đó chỉ là một đàn tép bơi qua, nhưng chúng dày đặc đến mức kín cả vùng nước, râu ria tua tủa đáng sợ như đàn ong hèn nào làm anh kinh hãi đến thế.
- Chết cha, tôi không cố ý đâu, cô Ba! - Này, hay ta cởi áo quây bắt lấy dăm cân tép về làm món nộm, khỏi phải bắt cá nữa, Bình ạ. - Toan nói đại để chữa thẹn.
- Áo đâu mà cởi, trụi thui lủi thế kia, cởi chi nữa?!
Toan lại càng ngượng vì vừa lỡ tay giờ lại lỡ lời. Mình thì đang cởi trần, chẳng nhẽ cô ấy cởi chiếc áo kia ra để quây lũ tép ư?! Trong khi đó Bĩnh càng đỏ mặt hơn lén nhìn xuống ngực mình đang hiện ra thây lẩy dưới lớp sơ mi ướt nước biển cứ dán chặt vào da thịt. Cô gái đảo mười chín tuổi bầu bĩnh, tròn trĩnh, xỉnh xình xinh làm chàng trai Bắc đã cố quay đi mà vẫn không cưỡng được việc liếc mắt chiêm ngưỡng thêm một chút.
Ước gì những ngày tháng gian khổ nhưng tươi đẹp ngày xưa ấy quay lại được nhỉ. Giờ đây cuộc sống của anh có thể nói là chẳng thiếu thốn chút gì nhưng sao vẫn đơn điệu và nhàm chán, may mà anh còn có sự ham mê phát triển kinh doanh với mong muốn giúp đỡ thêm cho các bạn bè thương binh của mình.
Anh lại nhớ tới những ngày Hiệp định Pa-ri vừa được kí kết. Có tin ta và địch sẽ trao trả tù binh cho nhau, nếu đúng thế thì số tù binh trên đảo Phú Quốc, mà đại đa số là người ngoài Bắc sẽ có thể được trở lại quê hương. Đội du kích được giao nhiệm vụ quan sát, điều tra tình hình các trại giam xem bọn địch có thực hiện đúng hiệp định hay không và sẵn sàng giúp đỡ tù binh nếu như bọn chúng có hành vi đàn áp hay bí mật thủ tiêu họ.
Từ ngày vựơt trại đến lúc đó đã hơn nửa năm, Bàu đã qua thẩm tra và được cất nhắc lên làm chỉ huy phó của Đội, phụ trách khâu liên lạc và tiếp tế giữa đất liền và đảo nên thường hay theo thuyền vào Hà Tiên hoặc Rạch Giá. Bĩnh và Toan thuộc nhóm theo dõi tình hình trại tù, hai người cùng một chị nữa trung tuổi giả làm một gia đình ngư dân, dùng thuyền câu mực cơ động quanh phía nam hòn đảo, đó là nơi bọn Mỹ ngụy đặt trại tù binh, chúng có lắp một sân bay dã chiến bằng những tấm ghi thép chuyên dụng, cũng là nơi tàu hàng và tàu chiến từ đất liền cập đảo qua các bến Dương Tơ hoặc An Thới.
- Nè, tôi đưa thuyền ghé qua vụng An Thới mua chút rau xanh của đám ghe Rạch Giá mới từ trỏng ra. Bĩnh chỉ chỗ cho anh Hai Toan kiếm ít trai hầu nấu canh bữa rày. Bãi quanh miếu Minh Vương nhiều lắm đó - Chị phụ nữ trung tuổi tên là Vường nói với hai người rồi ghé bờ để họ lên khu bãi vắng men núi.
Chỗ này là mỏm cực Nam của đảo, kín đáo và hiểm trở, gần đó có ngôi miếu, tương truyền ngày xưa Gia Long bị quân Tây Sơn đánh cho đại bại vượt biển chạy ra đảo này thì hết cả nuớc ngọt và lương thực. Ông vua khốn khổ khấn trời nói rằng "Nếu Trời còn phù hộ nhà Nguyễn thì cho con xin chút nước uống", sau đó ông ta dùng gươm đào đất núi. Bỗng một tảng đá nhỏ bật ra rồi nước ngọt từ hõm đá đó cứ chảy ra mãi, ngày nay cái vũng nhỏ có tên là giếng Tiên với nguồn nước đó vẫn còn. Dân đảo này lập đền thờ gọi là miếu Minh Vương, hàng năm vào mùa xuân thường có nhiều người đến cúng.
- Khu này sóng lớn nên hổng có tép moi đâu. Anh Hai cứ thoải mái xuống đại đi. Bê một tảng hầu lên ghè lấy nhân thì ăn phát chết luôn à. Cẩn thận mở to mắt để nhìn mà tránh những con bàn mai hay trai bự, kẻo chúng kẹp mồm giữ lại hầu hạ bà Thuỷ dưới đó nghe. - Bĩnh nói với anh nhưng cô ta cũng bỏ bớt áo ngoài, ý chừng sẽ xuống phụ giúp hay chỉ bảo cho anh.
Toan đã được xem các loại nhuyễn thể cô vừa kể. Con hầu tách ra có ruột tròn dài cỡ hai ngón tay cái chập lại, ăn giòn và ngọt, vỏ vôi của chúng dính vào nhau thành từng cục giống như tảng đá có hà bám ở quê anh. Nhưng hà chỉ bám ở ngoài mặt nên tảng đá to tướng chỉ ghè được nửa bát ruột hà là cùng, còn tảng hầu to bằng cái rá thì phải tách được nửa rá ruột. Bàn mai là một loại trai to có hình thù giống như lưỡi mai đào đất, ruột lớn nhưng chỉ có hai mẩu cơ giằng hai mảnh vỏ (mỗi mẩu to cỡ ngón chân cái) rất ngon, phần còn lại màu hồng bèo nhèo như ruột hến, dân ở đây chê không ngon nên không ai ăn. Bàn mai cắm phần đuôi đầy rong rêu như chiếc xà beng nhọn xuống đáy biển, đứng yên tại chỗ, hai mảnh vỏ nhô lên trên mặt cát mở ra để hứng bắt mồi, người lặn kém phải hai ba lần lặn mới lay nhổ được nó lên khỏi đáy biển. Trai biển ở đây cũng có hình thù như trai ở quê anh nhưng to dễ sợ, có con lớn như chiếc quạt giấy, vỏ dày cứng như đá, ai vô ý bị nó kẹp miệng giữ lại có thể chết đuối vì hết hơi không ngoi lên được.
Toan lặn xuống chỗ nước sâu quãng hai mét rưỡi, anh cậy dài hơi cố sức lay để một lần nhổ được con bàn mai lên ngay. Không thấy Toan ngoi lên Bĩnh kinh hoảng, cô vội vàng lặn xuống bơi tìm Toan. Trong khi cô xuống thì Toan cũng bắt đầu ngoi lên. Do hoảng hốt và quá vội vàng, cô không kịp quan sát lũ trai vỏ cứng nằm trong kẽ đá nên trong khi cô xoay quanh dưới nước để tìm anh, đã bị hai con kẹp chặt vào ống quần. Cô cố gắng gỡ ra nhưng không được, đến lúc cạn hơi đành phải đạp chân ngoi lên gửi chiếc quần dây thun lại dưới nước!
Toan đang ngơ ngác tìm cô bạn du kích thì cô nổi lên. Cô ta đỏ bừng mặt mũi, quay sang phía khác giục rối rít:
- Ngụp xuống đi, xuống bắt nữa đi để cho người ta...
Toan đang phấn khởi với con bàn mai bự vừa nhổ được lên, anh bơi lại gần để khoe nhưng qua làn nước biển trong xanh anh chợt nhìn thấy những gì đáng ra không nên nhìn.
- Ơ kìa! Lặn xuống đi. Tìm hộ người ta...
Quá xấu hổ cô gái không còn biết làm thế nào, cô quay người lội bừa lên bờ chạy vào một hang đá nhỏ. Toan đứng như trời trồng ở chỗ nước nông nhưng chợt hiểu ra tình thế, anh quẳng chiến lợi phẩm lên bãi đá, lấy hơi lặn xuống chỗ cũ. Phải đến lần thứ hai ngoi lên nhặt thêm một hòn đá đưa xuống anh mới ghè vỡ được vỏ hai con trai để thu hồi thứ tài sản "vô giá" cho cô gái.
Rụt rè đứng ở bên ngoài hang anh gọi:
- Bình ơi, anh lấy lại được cho em rồi đây nè, đứng chỗ nào để anh quăng vào cho.
- Đem vào đây - mãi mới thấy tiếng cô nói vọng ra. Toan rụt rè bước từng bước một.
- Hổng có tép moi đâu mà sợ - tiếng cô gái từ một ngách hang tôi tối gần đó - Thôi bước đại vào đi. Thấy hết của người ta rồi còn giả bộ...
Một thân hình mềm mại và nồng ấm chợt đổ vào người anh. Toan hơi ngỡ ngàng nhưng lập tức anh quên hết mọi thứ trên đời. Cả thời gian và vũ trụ như không tồn tại, lúc này chỉ còn lại hai tấm thân trẻ trung mạnh mẽ quấn riết lấy nhau trong niềm hoan lạc vô bờ... Một con tắc kè từ khe đá ló đầu ra, cu cậu chợt cất tiếng kêu như đếm nhịp thời gian cho đôi bạn trẻ còn đang ôm nhau ngây ngất. Người con gái bừng tỉnh, cô vội vàng nhặt "báu vật" thu hồi được từ hai con trai cuống quít mặc vào.
- Quay đi kìa, cứ nhìn người ta hoài à, hổng biết dơ! - Thấy Toan vẫn còn đang say sưa nhìn ngắm, cô lại đỏ bừng mặt lên.
Từ ngày đó Toan hầu như quên hẳn rằng mình đang là người tù bị truy bắt, anh tham gia mọi công việc với đội du kích như một người đã sinh ra trên đảo và Bĩnh cũng trở thành một nửa của cuộc đời anh. Do có nghiệp vụ trinh sát, công phu (võ) cũng khá nên được giao nhiều nhiệm vụ tương đối khó khăn, nhưng với sự trợ giúp của Bĩnh và chị Vường mọi việc đều hoàn thành. Có lần anh và Bĩnh ngụy trang ẩn trên đỉnh núi hàng ngày ròng để dùng ống nhòm quan sát, ghi chép mọi hoạt động của bọn ngụy ở bên dưới. Lúc rảnh rỗi ở trên núi hay lênh đênh trên thuyền câu Toan thường kể chuyện ngoài Bắc cho hai người phụ nữ nghe, anh kể chuyện cổ tích Anderssen, chuyện cổ Grim làm Bĩnh rất thích thú. Cô chẳng bao giờ được nghe những chuyện như vậy, cô mở to hai mắt thương yêu và tin cậy hỏi anh:
- Nè, anh Toan ơi, thế nàng Tiên cá có áo quần hông?
- Có chứ! À, mà về sau, lúc lên bờ mới có. Còn lúc ở dưới nước thì...- Toan chợt bụm miệng cười - thì như em hôm xưa ấy.
- Cái anh Tép moi chết bầm này, sao con bàn mai Chúa nó hổng kẹp chưn anh giữ lại hầu hạ bà Thuỷ cho rồi... - cô đấm anh thùm thụp.
Khi bị xích tay đưa ra đảo người lính Bắc không thể nghĩ rằng một tù nhân mà lại có đuợc những ngày hạnh phúc đến như vậy. Bình rất ngoan ngoãn và nghe lời anh. Tuy đuợc học hành không nhiều nhưng sáng dạ, anh chỉ bảo việc gì là cô biết và làm đuợc ngay. Trí nhớ của cô du kích rất tốt, những chuyện anh đã kể cô đều thuộc và có thể kể lại cho người khác nghe, với cái lối diễn giải và sử dụng ngôn từ địa phương rất đặc biệt làm anh phải bật cười và thích thú. Anh khen cô thông minh, cô bảo:
- Bởi ăn nhiều cá đấy, tía em ngày xưa biểu ăn nhiều cá là sáng dạ lắm nha. Nhưng mà phải hổng sợ tép moi cơ, sợ tép moi như anh thì...thì có ngày...
- Có ngày phải làm con cò lặn lội xuống mổ bằng được con trai đem lên phải hông? - Toan lại trêu làm cô đỏ mặt. Cô thả một con hải sâm như quả dưa chuột đen đủi, gai nhô tua tủa vào trong cổ áo anh rồi chạy đi, cười như nắc nẻ.
Sau hiệp định Pa-ri bọn Mỹ hầu như không còn tại đảo, số tù binh bị giam ở đảo cũng được trao trả gần hết. Tuy thế bọn ngụy lúc này lại hoành hành dữ hơn vì lực lượng du kích ngoài đảo không nhiều. Về vấn đề nguồn thực phẩm, đội du kích đặc biệt thiếu rau xanh vì không dễ dàng hoá trang ra chợ mà mua, hơn nữa ngay ở chợ cũng hiếm vì trên đảo chỉ trồng tiêu và điều, hầu như không trồng rau, chỉ trông cậy vào tàu thuyền mang củ quả từ đất liền ra.
Nhiều hải sản cũng không bù được cho rau xanh, nhiều người đã bị lở loét, viêm răng lợi. Toan rủ chị Vường lẩn vào mấy chiếc ao hoang xem xét vì thấy có loại cỏ gì phủ xanh trên mặt. Tới nơi anh kinh ngạc khi thấy có rất nhiều rau muống, một số mặt ao còn có cả rau rút nữa. Toan giục chị Vường cùng hái rau nhưng chị ta bảo thứ cỏ đó không ăn được đâu, dân đảo này không ăn thứ đó bao giờ. Tuy vậy Toan cũng theo anh vội vàng cúi xuống hái được một bó to.
Anh đem rau muống về luộc rồi ăn rất ngon lành, chả khác gì rau muống ngoài Bắc nhưng phải thuyết phục mãi hai người mới chịu nếm thử và cứ lo rằng sẽ bị đau bụng. Dần dà cũng có một số đội viên chịu ăn theo anh và vấn đề rau xanh đã đỡ căng thẳng hơn. Toan mỉm cười khi nhớ tới lần vào thăm đảo năm 1982, lúc đó toàn đảo đều trồng rau muống, ai cũng ăn và gọi đó là rau "bộ đội Bắc Kỳ" vì khi ra tiếp quản đảo lính ta chủ yếu chỉ có rau muống để ăn và thứ "cỏ" này bắt đầu có giá. "Không ngờ mình cũng là một Cô-lơm-bơ, cỡ khám phá ra... rau muống trên hòn đảo này"- Toan nghĩ- "có điều họ vẫn chưa ăn và trồng rau rút".
Những ngày trong đất liền sục sôi những cuộc tấn công và chiến thắng vũ bão Buôn Ma-thuột, Tây Nguyên, Đà Nẵng, rồi quân ta áp sát Sài Gòn, ngoài đảo cũng bừng lên khí thế tiến công, giải phóng. Công việc của đội nhiều vô kể, mấy ngày liền Toan phải theo thuyền đi trinh sát các cụm đảo khác. Hôm ấy anh thấy nóng ruột quá nên theo thuyền trở về sớm một ngày so với dự định. Về đến căn cứ không thấy mọi người đâu anh vội tìm hỏi thì biết khoảng chục đội viên do Bàu chỉ huy vừa đi cướp kho vũ khí để chuẩn bị nổi dậy tự giải phóng đảo, có một nội ứng của phía nguỵ nhận bố trí giúp đỡ, nghe nói anh ta là họ hàng xa với gia đình Bàu.
Một linh cảm gì đó dày vò khiến Toan lo lắng. Anh rủ một người nữa vẫn thường hay ra vào Dương Đông bằng chiếc xe Lam chở bồn nước ngọt cùng đi tìm xem công việc của họ ra sao. Cho đến tận bây giờ, linh cảm vẫn luôn luôn mách bảo cho Toan điều gì đó, ngay cả trong những quyết định kinh doanh quan trọng của anh. Khi hai người đến điểm hẹn với tay nội ứng thì cuộc chiến đã nổ ra giữa phục binh của bọn ngụy và mấy đội viên du kích. Toan thấy Bĩnh đã bị thương, có lẽ khá nặng vì Bàu phải cõng cô chạy đi trong khi mấy người còn lại vừa bắn AK vừa ném lựu đạn để cản đường. Thét lên một tiếng, Toan xông thẳng vào bọn chúng với khẩu AK nổ ròn rã trên tay anh, khẩu CKC của người lái xe chở nước cũng đã nổ. Toán lính nguỵ bắt đầu rút chạy nhưng cánh tay trái của Toan chợt mát lạnh rồi thõng xuống nhưng anh không biết đến đau đớn, chỉ cố đuổi theo anh em Bàu.
Chiếc xe Lam chở các đội viên du kích chạy về miệt vườn trồng tiêu mênh mông phía tây bắc sân bay. Bỉnh lả dần trên tay Toan, cô cố nở nụ cười yếu ớt:
- Anh Hai... Tép moi, em không còn được nghe anh kể chuyện nữa rồi. Không... không còn... được anh ôm nữa. Đừng, đừng... bao giờ quên em anh nhé...
- Không!- Toan thét lên - Em không được bỏ anh, anh sẽ... - Cúi sát vào đôi mắt người yêu đang cố gượng nhìn mình lần cuối người con trai đất Bắc hộc lên trong tuyệt vọng. Chợt anh nhìn sang cánh tay trái sắp đứt lìa với đoạn dây ga-rô do chị Vường buộc ở phía trên, Toan đột ngột rút con dao găm đeo bên hông. Bằng một động tác dứt khoát của tay phải anh lia đứt phăng những gì còn lằng nhằng ở đoạn bẹp nát trong tiếng rú lên của cả chị Vường và Bàu. Toan chỉ hơi nhăn mặt, ra hiệu cho chị Vường nhặt hộ cánh tay trái đứt lìa đặt lên ngực nguời mình yêu đang hấp hối.
- Cánh tay anh đây. Em không chịu ở với anh thì hãy mang nó theo để anh được ôm em mãi mãi... mãi... - Một cơn choáng do mất máu làm Toan dần xỉu đi, chỉ kịp thấy đôi mắt Bĩnh bỗng sáng lên trước khi nó vĩnh viễn khép lại...
***
Thế đấy, Bàu ạ, người bạn và người anh của tôi (giá như Bình còn thì thực sự là ông anh mình - Toan lại thấy se lòng). Ngày ấy anh nói "Hòn đảo này đã táng cánh tay của chú cùng với em gái tui. Nó không ra Bắc được với chú, chú chắc cũng không thể ở lại đây mãi mãi bên mồ nó được. Thế thì chú thu xếp ra ngoải đi. Tui ở lại đây, tui sẽ mãi mãi canh giữ hòn đảo này, sẽ mần mọi công chuyện hết sức vì nó, mong có ngày được thấy nó trở nên đẹp đẽ như Tân Gia Ba*, như xứ Phù Tang* của người ta". Vậy mà sao hôm nay anh lại làm chuyện đó, lại cùng với một số người làm tổn hại đến nó, lại chịu để cho mấy người cấp cho thằng họ hàng đáng nghi vấn ngày ấy mảnh đất có nấm mộ của em gái anh, có cánh tay của tôi, cho dù anh có chuyển cô ấy đi đâu chăng nữa?!
***
Một thương binh trong bộ quần áo quân Giải Phóng năm xưa đang ngồi trên Chiếc máy bay Bo-ing 757 bay về phương Nam. Chẳng ai có thể nghĩ rằng đó là một thương gia thành đạt, anh ta đang hoàn toàn chìm trong suy tưởng như thể chí có một mình trên chiếc máy bay chở hàng vài trăm hành khách.
”Bình ơi, anh đang ra với em đây. Em nằm xuống chính vào lúc đất nước hoàn toàn giải phóng. Em có thấy là vẫn được anh ôm dù chỉ bằng một cánh tay? Với cánh tay còn lại anh cũng đã làm được nhiều điều kể từ ngày ấy. Lần này anh có ý định đưa di hài của em ra Bắc với anh, để anh có thể thường xuyên đến thăm em, kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích của Anderssen ngày đó anh còn bỏ dở. Chắc là anh Bàu không phản đối anh đâu, còn em thì sao? Quê anh cũng có tép moi tuy không gây được rợn người như quê em, cũng có ngọn gió nồm nam mặn mòi biển cả, có rau muống luộc với rau rút mà em đã bắt đầu quen mùi vị... Bằng lòng theo anh Hai Toan ra ngoải đi em nha!...
”Bình ơi, anh đang ra với em đây. Em nằm xuống chính vào lúc đất nước hoàn toàn giải phóng. Em có thấy là vẫn được anh ôm dù chỉ bằng một cánh tay? Với cánh tay còn lại anh cũng đã làm được nhiều điều kể từ ngày ấy. Lần này anh có ý định đưa di hài của em ra Bắc với anh, để anh có thể thường xuyên đến thăm em, kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích của Anderssen ngày đó anh còn bỏ dở. Chắc là anh Bàu không phản đối anh đâu, còn em thì sao? Quê anh cũng có tép moi tuy không gây được rợn người như quê em, cũng có ngọn gió nồm nam mặn mòi biển cả, có rau muống luộc với rau rút mà em đã bắt đầu quen mùi vị... Bằng lòng theo anh Hai Toan ra ngoải đi em nha!...
Phác thảo năm 2005
Hoàn thiện 2011
Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/07/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/07/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét