Người vợ bị bán – Truyện ngắn Ngọc Châu (Hải Phòng)
Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011
Thời gian như dòng sông, cứ kiên trì xói mòn và bồi lấp đi mọi sự kiện của cuộc đời khiến cho những gì xấu xa, đau đớn của một thời giờ đây không còn thấy nhức nhối như xưa. Có điều, cả những gì tốt đẹp cũng mờ dần, mờ dần theo năm tháng. Có lẽ đến vòng luân hồi thứ một triệu của kiếp nhân sinh hiện hữu, thế gian này sẽ không còn núi cao, cũng chẳng còn vực sâu. Mọi thứ đối lập sẽ dung hoà, san sẻ cho nhau để trái đất này chỉ còn là bình nguyên phẳng lặng và mặt biển không có sóng.
Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
NGƯỜI VỢ BỊ BÁN
***
Thời gian như dòng sông, cứ kiên trì xói mòn và bồi lấp đi mọi sự kiện của cuộc đời khiến cho những gì xấu xa, đau đớn của một thời giờ đây không còn thấy nhức nhối như xưa. Có điều, cả những gì tốt đẹp cũng mờ dần, mờ dần theo năm tháng. Có lẽ đến vòng luân hồi thứ một triệu của kiếp nhân sinh hiện hữu, thế gian này sẽ không còn núi cao, cũng chẳng còn vực sâu. Mọi thứ đối lập sẽ dung hoà, san xẻ cho nhau để trái đất này chỉ còn là bình nguyên phẳng lặng và mặt biển không có sóng. Văn chợt nghĩ vậy sau lần anh tình cờ gặp lại một con nguời của ba muơi năm truớc trong cuộc hội thảo của ngành Giáo dục.
Bấy giờ Văn đang dạy một lớp học chỉ có khoảng non ba chục học sinh mà lẫn lộn đến ba hoặc bốn chủng tộc là Tày, Hmông và Dao mà ngày ấy những người miền xuôi như anh lúc thì bảo họ là người Mèo, có lúc lại nghĩ họ là người Mán. "Sinh ngữ" của anh có thêm được mấy từ "noọng ơi", "kin khẩu", "kin nậm"…nghĩa là "nàng ơi", "ăn cơm" với "uống nuớc"! Đấy là học lỏm theo tay Tằng đồng nghiệp của anh, hắn bảo đấy là tiếng Tày, thứ tiếng hay dùng nhất đối với cư dân sở tại. Không biết có đúng thật không vì ông bạn người Hmông này khôn như rận, nhiều lúc hắn còn dạy những câu mà nếu anh áp dụng sẽ bị các cô gái trong bản đấm cho thùm thụp hoặc phá lên cười như nắc nẻ.
Thời gian Văn dạy học ở đó không lâu vì chỉ hơn năm sau anh đã được cử đi học Trung cấp Sư phạm, ra dạy vài năm ở một truờng miền trung du lại đi học tiếp Đại học, ra trường thì về đóng đô luôn ở Thái Bình. Bạn bè anh gọi đó là giai đoạn vừa lên cao vừa xuống thấp, nghĩa là leo lên cao về học vấn và lương bổng, đồng thời tụt xuống thấp theo cao độ so với mực nước biển, tóm lại họ cho Văn cũng thuộc loại khôn như rận theo cách so sánh của người Mán, vì con rận- bây giờ nhiều người không biết hình thù nó như thế nào- luôn biết chọn chỗ nào an toàn nhất trong chiếc áo để ẩn thân và chỗ nào thơm thịt nhất trên cơ thể người ta để cắn và hút máu!
Chuyện xảy ra là vào hồi anh đang dạy cấp1. Một hôm tay Tằng bảo Văn "Mai tao phải nghỉ một ngày đi chợ phiên để bán con vợ."
- Cái gì?- Văn kinh ngạc- Cậu bảo bán con gì?
- Cái con vợ tao. Bảo nó không nghe, với lại nó không thích đẻ!
Văn há hốc mồm trước câu trả lời tỉnh khô của anh bạn đồng nghiệp. Anh cũng biết là tập tục cưới hỏi, lấy vợ lấy chồng ở trên này mang nặng tính chất gả bán. Người đàn bà về làm dâu là thành con ma của họ nhà chồng, chẳng may chồng chết sớm thì phải làm vợ tiếp cho một ai đó trong gia đình nhà chồng, anh chồng hoặc em chồng chẳng hạn. Nhưng anh không nghĩ là có thể đem vợ ra chợ để bán như tay Tằng vừa nói.
Văn đã hết sức khuyên can, nói rằng bây giờ Chính phủ không cho làm thế nhưng Tằng nói là đã có sự bằng lòng của Khán (già làng) và hú sinh (ma bếp) rồi. Hôm sau hắn nghỉ thật, chiều muộn hôm sau nữa mới quay lại truờng trong tư thế chân nam đá chân chiêu. Không nói năng với ai câu gì, hắn lảo đảo đi vào nhà ở tập thể của giáo viên, nhưng đến cửa lại quay ra bờ vực quăng chiếc túi thổ cẩm xanh đỏ đang cầm trong tay xuống khe núi. Mấy thứ đồ lặt vặt trong đó văng ra ngoài, rơi lả tả rồi gió cuốn xuống vực sâu, sau đó hắn vào giường ngủ li bì đến tận trưa hôm sau.
Sau giờ lên lớp buổi chiều, lúc ăn tối cùng với Tằng, Văn tò mò hỏi mấy hôm vừa rồi hắn làm gì, việc bán vợ của hắn ra sao.
- Mải (bán) không được, mất rồi.
- Mất rồi! Sao mà mất?- Tưởng vợ hắn đã chết Văn hốt hoảng- Vợ cậu mất thật rồi à?
- Mất, không phải slay (chết)- "con rận Mán" này hiểu suy nghĩ của Văn khá rõ - Tao đưa nó đi chợ nhưng lúc qua san (rừng ) nó thíu (chạy đi) à. Tao đuổi theo không thấy nó đâu nữa.
Cứ há mồm vì kinh ngạc, mãi Văn mới hỏi được thêm vài câu "Tại sao mày nhanh thế mà không đuổi bắt được nó?" với "Không tìm thấy thật à?" Đáp lại hắn ậm ừ giải thích rằng ở chỗ ấy có nhiều khe đá với vực sâu, không biết vợ hắn đã ẩn vào hốc đá nào đó hoặc ngã xuống vực.
- Nhưng nó không còn là quây (con ma) nhà tao nữa nên còn cái gì của nó tao vứt hết đi rồi.-Hắn giải thích thêm như vậy rồi cắm cúi ăn, không nói chuyện nữa.
Văn sực nhớ đến chiếc trâm bạc, chiếc vòng màu xanh ngọc thạch và mấy tờ giấy dó, hôm qua còn mắc lại trên bờ vực lúc Tằng ném cái túi xuống khe núi. Anh đã nhặt lên, định lúc hắn tỉnh rượu thì đưa lại cho hắn, nhưng giờ biết là Tằng sẽ không nhận lại những thứ đã vứt đi theo con ma.
Khi xem lại, Văn thấy mấy tờ giấy dó được khâu vào với nhau thành như cuốn sổ, đã viết được nhiều nhiều bằng loại mực gì tim tím, chắc là nhựa cây hay nước quả. Chữ viết lẫn lộn tiếng Kinh, tiếng Tày và cả tiếng Sán Chí, Cao Lan gì đó. Đọc được ít dòng Văn đâm ra tò mò vì biết đây là cuốn sổ của vợ tay Tằng, trong đó ghi một số việc gần giống như ta ghi nhật ký. Thật là lạ, một người đàn bà Mán mà ghi nhật ký!? Thế nên Văn đã bí mật chép lại những chữ mà mình không hiểu rồi đi hỏi người nọ người kia- nhưng giấu không cho tay Tằng biết chuyện anh còn giữ cuốn sổ của vợ hắn - Dần dà Văn hiểu được khá nhiều về những điều mà người đàn bà ghi lại.
Người vợ mà tay Tằng đem đi bán hoá ra không phải là người Mán chính gốc. Các cụ của chị vốn là người Kinh, quê tận xứ Trung Kỳ, đã từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, vị cận thần của nhà vua đã lẩn lên miền núi, sống trà trộn với những người dân tộc để tránh việc truy tìm hết sức gắt gao của triều đình đã trở thành tay sai của thực dân Pháp. Về sau người ấy lấy vợ Hmong, được nhận là con rể bán đầu vì gia đình vợ không có con giai, sau này sẽ được thừa kế và chịu trách nhiệm hương hoả cho bên vợ. Đó là người cụ của Bàng A Lình (là tên cô vợ mà Tằng đem đi bán).
Chính người cụ của Bàng A Lình đã đóng cuốn sổ bằng giấy dó này truyền lại cho con cháu, dặn rằng "Khi nào nước Nam hết giặc Phú Lãng Sa thì hậu duệ phải quay về sống với người Kinh, nhớ rằng quê gốc là ở huyện Hoà Vang tỉnh Thừa Thiên, thuộc dòng họ Tôn Thất". Phía trên của mỗi tờ giấy trong cuốn sổ cụ đều có ghi sẵn câu trên bằng tiếng Kinh, tiếng Cao Lan và tiếng Tày để truyền đời ghi nhớ. Cụ dặn con cháu phải ghi lại những việc gì quan trọng xảy ra vào sổ này để các đời sau không quên gốc tích.
Những trang giấy dó này không ngờ lại là cuốn sử biên niên đã ba bốn đời nay của một dòng họ thuộc Hoàng tộc- Văn nghĩ. Anh đã mất hai ngày chủ nhật lần theo con đường từ nhà Tằng đến chợ để thử tìm tung tích cô Bàng A Lình nhưng không có kết quả gì vì đúng như tay Tằng nói, dọc đường có khá nhiều hang động bị cây rừng che phủ, cũng có một số khe sâu nữa. Nếu rơi xuống đấy thì.. Anh thầm cầu mong cho người đàn bà không quen biết bằng tất cả lòng thương cảm của mình…
Câu chuyện rồi bị vùi trong quên lãng. Nửa đời người đã trôi qua cho tới một lần, vào giờ nghỉ ăn trưa của một cuộc hội thảo về Cải cách giáo dục của Bộ tổ chức, Văn tình cờ ngồi cùng mâm với hai người phụ nữ xấp xỉ tuổi mình. Anh bạn Vụ phó với vẻ quen thân hỏi một chị là bây giờ còn giữ tên Bàng A Lình không, hay chính thức đổi thành Tôn Nữ Nguyệt Mai rồi. Họ cười vui với nhau trong khi cái tên Bàng A Lình của người đàn bà ăn mặc hoàn toàn theo kiểu người miền xuôi, ngay cả dáng vẻ và phong thái cũng vậy, gợi lên trong Văn một điều gì đó nhưng anh không thể nhớ ra. Mãi đến khi câu chuyện giữa hai người phụ nữ nhắc đến tên một vài địa danh miền rừng núi Bắc San thì hồi ức về những năm tháng dạy cấp một ngày xưa bỗng nhiên tái hiện. "Chẳng lẽ người vợ tay Tằng, người đàn bà ngày xưa hắn đem bán đã bỏ trốn đi là chị ta hay sao?"- Văn thấy thảng thốt.
- Xin chị thứ lỗi nếu điều tôi hỏi làm chị không vui- Đợi khi chỉ còn lại rất ít người uống trà trong phòng ăn, Văn mới dám lại gần để hỏi chị ta- Có phải chị đã.. đã từng là vợ anh La Á Tằng ngày xưa.. Tôi muốn nói là vào những năm sáu mươi, tôi cùng anh ấy dạy học ở một trường cấp một của huyện Bắc San…
Người phụ nữ nhìn anh kinh ngạc. Khuôn mặt khả ái đột nhiên biến đổi bất ngờ như bị nước dơ, do một người vô ý hắt từ trong nhà ra dây vào đầu tóc. Văn chợt hoảng hốt vì thấy mình đã nói ra chuyện gì đáng lẽ không nên nói.
- Xin chị thứ lỗi nếu như tôi... tôi- Anh lắp bắp- Sở dĩ tôi hỏi vậy là vì từ ngày đó tôi tình cờ còn giữ một cuốn sổ có bút tích mấy đời của một người tên là Bàng A Lình như.. như chị. Tôi chỉ muốn hoàn nó về cho người ta.. Còn, còn có chiếc trâm bạc và chiếc vòng màu xanh ngọc thạch... - Văn rụt rè bổ sung, anh vẫn lấy làm tiếc là đã khơi ra câu chuyện này.
- Thật vậy ư?!- Vẻ mặt người phụ nữ đã bình thường trở lại. Chị ta như bất chợt đắm chìm vào dĩ vãng, quên cả người đồng nghiệp vẫn đang đứng trước mặt trong trạng thái khó xử.
- Xin lỗi anh, thật hết sức bất ngờ đối với tôi khi anh hỏi vậy. Không sao đâu, anh đừng tự trách mình nữa...- Chị ta cầm lấy tay Văn như an ủi- Tôi với anh lại đằng kia nói tiếp câu chuyện này đi...
Quả thực đó là Bàng A Lình, người đàn bà Mán ngày xưa La Á Tằng đã định đem đi chợ bán. Câu chuyện gợi lại bao nhiêu xúc cảm cho người phụ nữ và cả cho Văn, mặc dù anh đã quên đi sau ngày rời khỏi miền rừng núi Bắc San. Một tuần sau đó họ lại gặp nhau ở Hà Nội trước ngày Tôn Nữ Nguyệt Mai trở về Huế. Văn giao lại cho chị cuốn sổ bằng giấy dó, chiếc trâm bạc và chiếc vòng đeo tay màu xanh vẫn được anh giữ gìn qua bao năm tháng. Người đàn bà rơi lệ khi nhìn thấy những kỉ vật của tổ tiên để lại. Ở cuốn sổ mỏng bằng giấy dó vẫn còn đọc được những bút tự của người cụ là cận thần của nhà vua, sau đấy là bút tích của ông và cha chị. Chiếc vòng là báu vật của cụ, còn trâm là vật gia bảo của cụ bà của chị, mang về nhà chồng khi trở thành vợ viên cận thần của ông vua yêu nước đã bị giặc Phú Lãng Sa đầy ải.
Nguyệt Mai đưa cho Văn một cuốn sổ khác, dặn anh phải hết sức giữ gìn để trả cho chị khi gặp lại lần sau. Chị cho biết anh là người duy nhất được chị cho đọc cuốn sổ này và đấy là cuộc đời không chỉ của một người, gói ghém trong đó bao nhiêu thiêng liêng trân trọng. Tôn Nữ Nguyệt Mai đưa cho anh đọc vì chị nói là con tim mình bây giờ không còn đủ sức chịu đựng khi phải kể lại câu chuyện bằng lời.
Cuốn sổ thứ hai này có bìa tốt, có thể đã được đóng mới lại nhưng giấy thì rất xấu, đó là loại giấy gai nửa vàng nửa trắng anh đã từng dùng vào những năm sáu mươi. Phải nói là phần đầu của cuốn sổ đó Văn đọc mà chẳng hiểu gì lắm, không chỉ vì nét mực đã nhoè nhoẹt mà còn vì nó được viết bằng thứ chữ hết sức nguyệch ngoạc, lại lẫn lộn giữa tiếng Kinh, tiếng Tày, Cao Lan.. Đây đích thực là chữ của cô Bàng A Lình ngày đó, giống như ít dòng chữ ở phần cuối cuốn sổ khâu bằng giấy dó anh đã trao lại cho Nguyệt Mai.
Đến nay thì vốn "sinh ngữ" của các dân tộc miền Việt Bắc trong anh thật không còn chút nào tồn đọng. Anh chỉ hiểu lơ mơ rằng cô đã cố ghi lại những việc còn nhớ được ở cuốn sổ giấy dó đã bị mất, tiếp đó là chuyện chạy trốn và bị thương. Tuy nhiên Văn cũng hình dung ra đuợc những gì mà anh đã cố bỏ công để kiếm tìm vào ngày đó.
...Một buổi sớm cuối đông mù sương như vẫn thường thấy ở miền rừng núi Bắc San. Tiếng chim từ qui suốt đêm gọi nhau đã tắt hẳn, mấy con lợn rừng vừa hộc vừa chạy ào ào làm gãy răng rắc các cành cây cản lối, con mang cũng tác lên giã bạn lần chót truớc khi tìm về nơi trú ẩn. Lình chỉ còn mỗi chiếc áo lót trên người đang chạy hối hả, sau khi cô bất ngờ dập đầu tay Tằng vào một thân cây, giằng thoát khỏi con đực trần trụi đang cố sức chiếm đoạt người vợ "không muốn đẻ" truớc khi đem đi bán.
Cô gái loã thể chui qua một hang đá hẹp, khuất kín bởi các bụi mây gai và cành dang dẻo dai, ngoằn ngoèo đan bện vào nhau như bầy rắn ở thuở hồng hoang. Cửa hang này cô đã tình cờ phát hiện ra trong một lần vào rừng đặt bẫy bắt dúi, Tằng không biết nên mặc dù hắn ta nhanh và khôn như rận cũng đành ngẩn ngơ quay về với chiếc túi thổ cẩm của cô vợ chạy trốn bỏ lại.
Đúng ra thì cô Lình về làm dâu nhà họ La đã gần chục năm nhưng chưa bao giờ làm vợ của Tằng. Nhỏ hơn "vợ" ba tuổi, từ lúc còn thò lò mũi xanh cu Tằng đã vào học ở trường Thiếu sinh quân, sau đó do tầm vóc bé nhỏ anh ta được chuyển sang làm giáo viên. Đến khi tay Tằng tấp tểnh trở thành người đàn ông thì cô biết việc giặc Phú Lãng Sa (tức thực dân Pháp) đã hoàn toàn bị đánh đuổi. Lình quyết tâm thực hiện lời của ông cha để lại là tìm về với người Kinh dù chưa biết làm bằng cách nào, chỉ lẩn trốn mỗi khi Tằng về nhà vào các ngày chủ nhật. Có lẽ vì vậy mà Tằng đã nói với Văn "Bảo nó không nghe, với lại nó không thích đẻ!".
Vội vàng chui qua hang đá hẹp sang phía núi bên kia, một bước trượt làm cô rơi xuống khe núi sâu. Có lẽ các vong linh của dòng họ Tôn Thất không muốn để mất đi móc xích cuối cùng của một chi tộc anh hùng đã phải chịu nhiều gian truân khổ ải, nên dây leo chằng chịt đã níu kéo cô giữ lại. Lình không chết, chỉ ngất đi. Khi tỉnh lại cô thấy mình đang nằm trên sạp ghép bằng gỗ cây trong lều cỏ, một chiếc quần dài, rộng đã che đi phần thân thể loã lồ. Có một người đàn ông đang lúi húi đun nấu, chắc là ông ta sắc thuốc, cô đoán thế vì phụ nữ Mán phần đông đều biết cách tìm, chế biến và sử dụng dược thảo.
Người đàn bà chạy trốn cảm thấy tuyệt vọng vì lại rơi vào tay một người đàn ông, đến mức không cảm thấy may mắn là mình vẫn còn sống. Mồ côi mẹ từ lúc còn chưa biết gì, cha cũng mất sớm nên từ năm lên mười cô đã bị gả bán để làm vợ chú bé La Á Tằng. Tài sản của cô bé mang về "nhà chồng" chỉ có một chiếc túi thổ cẩm đựng đồ lặt vặt, duy nhất đáng giá là chiếc trâm bạc, chiếc vòng đeo tay màu xanh bằng ngọc thạch của cụ nội để lại và mấy tờ giấy dó mà từ hồi lên năm lên sáu bố cô đã giảng giải, bắt phải học thuộc những gì đã ghi ở đó. Được bố dạy nói và viết tiếng Kinh, nhưng do ông mất sớm nên tiếng Kinh của cô chẳng nhiều nhặn gì hơn so với các thứ tiếng khác đã học được khi chơi đùa, tiếp xúc với lũ trẻ con của một khu tự trị đa dân tộc.
Nếu như người đàn ông đó có một hành động gì làm cô kinh sợ thì chắc Bàng A Lình đã không còn sống để viết tiếp vào cuốn sổ này vì trong người cô đã giắt sẵn một nắm lá ngón từ lúc Tằng đưa đi bán, lúc này nó vẫn còn cộm lên ở bên hông…
Cuốn sổ cho Văn thấy là có một khoảng thời gian tương đối dài cô Lình không ghi chép gì, vì sau mấy trang có nét chữ giun dế với ngôn ngữ tả pí lù ghi lại những điều anh vừa đoán hiểu trên thì có những dòng chữ mới, càng ngày càng khuôn phép và rõ ràng bằng tiếng Việt chính thống. Chắc chắn là đã có sự thay đổi lớn lao trong giai đoạn này - Văn nghĩ một cách tò mò và bắt đầu bị những dòng ghi chép riêng tư của người đàn bà chạy trốn lôi cuốn. Cách ghi bây giờ đã có vẻ như nhật kí nhưng không có ngày tháng và sự việc cũng không liên tục, chắc hẳn hồi đó chị ta vẫn chưa biết đến cuốn lịch, mỗi lần ghi chỉ biết đánh một khuyên tròn vào đầu đoạn viết mà thôi.
Vậy là thày đã nuôi dạy Lình một năm rồi. Giá không có những cây mai nở ra hoa trắng mỗi khi xuân đến thì hai thầy trò chẳng biết bao nhiêu ngày tháng đã qua. Không, chỉ mình Lình không biết thôi, điều gì thầy cũng biết đấy. Lình tin là thế, Lình chỉ muốn có hai cái bụng để ghi nhớ hết những điều thầy dạy. Người Dao ta.. À không, thầy bảo không nói thế nữa nếu như muốn trở về với dòng họ Tôn Thất như lời ông cha dặn lại. Mà sao thầy lại không vui khi khuyên Lình thế nhỉ, thầy còn bảo tất cả là do mềnh phần, ô, không phải rồi, là do mệnh trời, tiếng Kinh nói như vậy cơ, không phải ai ở với người Kinh cũng sung sướng đâu. Chính thầy đang làm điều ngược lại với Lình khi chọn vào sống ở trong rừng này..
Sao thày không nói tên của thầy, chỉ bảo Lình sau hôm nghe kể lại câu chuyện từ bé đến lúc ấy là "Từ giờ em hãy gọi tôi là thầy, thầy sẽ giúp em hoàn thành tâm nguyện của các bậc tiền nhân dặn lại, nhưng để làm được điều đó phải dạy em học nhiều thứ lắm. Thầy đã nghĩ không bao giờ còn được dạy ai học nữa, nhưng chắc đây cũng là mệnh trời." Thầy nói những gì Lình không hiểu và cũng quên mất nhiều rồi, chỉ thấy lúc nói câu đó thầy có vẻ đau buồn lắm, đau buồn hơn lúc Lình bị Tằng dắt tay đem đi bán như con chó con ngựa ở chợ. Lình là đàn bà nên đã giắt theo người một túi nhỏ lá ngón. Đàn ông không ai dùng lá ngón, họ chỉ uống rượu, có người uống rượu tới chết. Nhưng thầy không bao giờ uống rượu, Ô! cũng không phải rồi, thày có một bình rượu đấy, ngâm hai con rắn gì lạ lắm. Một tháng chỉ uống một hai chén, sau đó thưòng bảo Lình ở nhà coi nhà để thầy đi tìm cây thuốc hàng mười ngày mới về.
Những ngày thày đi vắng Lình nhớ lắm, chỉ muốn được thầy cho đi theo nhưng mặt thầy nghiêm nghị làm Lình sợ. Lại dặn Lình ở nhà phải nấu canh với cây rau trồng nhiều ở ven suối ăn cho bổ huyết. Thày không nói nhưng Lình biết đó là rau răm. Người Dao có dùng cây này làm thuốc bổ huyết bao giờ đâu. Chẳng lẽ thầy lại nhầm? Cái gì thày cũng biết cơ mà, hay người Kinh có bài thuốc khác với người Dao? Vắng thầy Lình thường tắm tự do rất lâu ngoài suối, kì cọ và ngắm nhìn thân thể đầy đặn của mình. Thân hình này thầy đã nhìn thấy trong ngày Lình ngã xuống vực. Vậy mà sao thầy không..?
Thầy lúc nào cũng nghiêm nghị. Lình chưa phải đàn bà, chưa lần nào cu Tằng kéo đuợc mình lên giuờng nhưng nếu như thày... Thôi, không viết nữa, xấu hổ lắm.
Thầy dạy Lình học cả tiếng Pháp, tức là tiếng của người Phú Lãng Sa đấy! Thấy Lình tròn mắt nhìn vì kinh ngạc, thầy giải thích rằng Phú Lãng Sa cướp nước mình nhưng không phải tất cả người Phú Lãng Sa đều xấu. Ngay người Vịệt mình cũng có nhiều kẻ xấu, mà kẻ đã xấu thì còn xấu hơn Phú Lãng Sa nữa cơ. Thầy nói giờ thầy chỉ còn Lình là học trò, mềnh phần của Lình vất vả nên thày rất thuơng. Tuy người Pháp đã rút hết về nuớc họ rồi, nhưng chẳng biết đến ngày nào thầy mới đưa đuợc Lình về miền quê cha đất tổ Thừa Thiên...
Cuốn nhật ký khá dài, càng xem Văn càng hiểu thêm về cả hai thày trò họ. Nhiều lần anh phải ngừng đọc, xúc động với hoàn cảnh éo le của một người thày giáo cũng dòng dõi Hoàng tộc, sinh ra trong một gia đình mấy đời là giáo học, đã từng bị thương trong những năm đánh đuổi thực dân Pháp. Giờ đây người đàn ông cô đơn ấy bị xã hội hắt hủi, bị tuớc đoạt quyền làm thày (tuy cô Lình không viết rõ nhưng Văn chắc là ông bị mắc vào vụ tai nạn văn chương hồi đó). Hãy còn trẻ mà sống cạnh người con gái, cô học trò duy nhất còn có đuợc, ở giữa rừng. Cô Lình hồi đó trẻ trung, đầy sức quyến rũ của nét đẹp thiên nhiên hoang sơ mang nửa dòng máu của những sắc người sống giữa đại ngàn. Cô quý thày, và cô yêu thày giáo của mình bằng mối tình đầu hồn nhiên, dạn dĩ. Nhiều lúc vẻ đẹp hoang dã của cô đã khiến thày giáo phải lẩn trốn, phải uống, phải ăn những thứ nhằm triệt giảm bản năng đực cái của con người.
Sao họ không trở thành một đôi chồng vợ nhỉ?- Văn tự hỏi- Có gì và có ai cản trở họ đâu. Để nhiều lúc cô Lình oán thày, có lần đã bỏ đi nơi khác làm nghề thày lang và bán thuốc dạo, nhưng rồi cô lại quay về. Cô kinh sợ những người đàn ông khác. Họ cũng như tay Tằng, dễ dàng xử sự với cô như với con chó, con ngựa nuôi trong chuồng nhà họ.
Cũng vì điều tò mò đó, Văn lật giở đến phần cuối của cuốn sổ ghi chép. Kết thúc cuốn sổ là những dòng chữ không phải của Bàng A Lình. Văn hiểu ngay đây là chữ của thày giáo cô:
"Lình ạ, mặc dù dạy em chỉ hơn năm năm nhưng giờ đây thày nghĩ rằng em đã có thể hòa nhập bình thuờng với cộng đồng người Kinh ở quê hương em. Em là một học trò thông minh, không uổng công dạy dỗ của thày. Tiếc rằng thày chỉ có thể truyền đạt cho em những tri thức nghề nghiệp để làm một nhà giáo. Thày đã nhờ một người bạn rất thân - cũng là người bạn duy nhất của thày còn có cho đến lúc này - bố trí công việc cho em. Tất cả những giấy tờ cần thiết cùng các chỉ dẫn chi tiết đều ở trong chiếc phong bì thày để kèm đây. Em có thể theo các chỉ dẫn đó để về Hà Nội gặp người bạn của thày, nhưng đó là trong truờng hợp thật đặc biệt thôi vì thày ấy đã hứa sẽ lên đây đón em về trong vòng nửa tháng nữa.
Đã đến lúc em nên rời khỏi rừng này để làm việc gì đó mà em thích. Thày còn nợ em một nửa phần việc mà thày đã hứa, đó là đưa em về tận miền Thừa Thiên quê hương em và cũng là quê hương của thày. Chưa chắc thày đã đuợc phép tái ngũ nhưng sẽ tìm cách trở về quê hương để cùng tham gia giải phóng nốt một nửa đất nứơc, trong đó có quê của thày trò mình, dù làm một đội viên du kích thôi cũng đuợc.
Thày tin rằng sẽ có ngày gặp lại em ở Huế nhưng dẫu sao chuyến đi này cũng đầy hiểm nguy. Vì vậy phải nói cho em biết đôi điều về con người đã tình cờ sống và truyền đạt kiến thức cho em ở giữa rừng già. Gia đình thày cũng thuộc dòng họ Tôn Thất như em, mấy đời làm nghề dạy học, chỉ có thày phải rời bút nghiên một thời gian để đánh đuổi Phú Lãng Sa. Thày đã vui sướng biết bao khi đuợc quay lại nghề dạy học, nhưng sống trên đời này nhiều gian nan lắm em ạ, thày phải nói để em biết cách dè chừng. Chỉ vì cần chiếm đoạt tình yêu của một cô gái mà hiệu truởng nhà truờng, cũng từng là học trò của thày, đã dùng mấy bài văn thơ làm cớ tạo ra vụ án văn chuơng để họ kỷ luật thày, không cho làm nghề dạy học nữa.
Lình ơi, em mãi mãi là học trò của tôi, là người học trò duy nhất tôi còn được quyền dạy dỗ. Thiên chức của tôi sinh ra trên đời này là để dạy học nhưng người ta đã tước bỏ quyền làm thày của tôi. Chỉ còn có mình em là học trò nên tôi phải giữ gìn, mãi mãi tôi là thày và em là học trò của tôi. Điều đó thiêng liêng biết bao đối với một người đựơc sinh ra để làm thày như tôi, mặc dù tôi đã phải quên rằng mình còn có trái tim, rằng tôi là người đàn ông và em là người đàn bà, đã cùng sống một cách chân thành với nhau năm năm ở giữa rừng...
Thực ra thì còn hơn thế, hơn thế rất nhiều em ạ. Có lúc tôi phải tự hỏi mình rằng nghề làm thày có đúng là cao quí đến mức tôi phải hy sinh đến thế hay không. Sao có những người được quyền làm thày một cách dễ dàng mà họ có coi trọng nó đâu…
Văn đặt cuốn sổ xuống bàn. Bỗng dưng anh lặng người vì lần đầu tiên chợt nhìn lại suốt quãng đời hành nghề sư phạm của mình. Nó trơn tru, bằng phẳng, giúp anh qua những năm khó khăn thiếu thốn nhất và nuôi dạy con cái nên người. Nhưng quả thực với anh sư phạm chỉ là một nghề, cũng như một số nhà tu hành ngồi trong chùa, đợi đến giờ thì đọc kinh, gõ mõ truớc những bức tuợng gỗ và yên tâm với nghề làm sư của họ.
Lặng lẽ gấp lại cuốn sổ, quả thực Văn không dám đọc nữa vì thấy rằng nhìn sâu vào đời tư nguời khác nhiều khi làm cho chính mình thấy áy náy. Lần trao lại nó cho Tôn Nữ Nguyệt Mai anh đuợc biết thêm rằng người thày giáo đầu tiên của chị đã không còn nữa. Truớc khi tìm cách trở về quê huơng đánh Mỹ ông về thăm ngôi truờng cũ, gặp ngay lúc máy bay Mỹ đến bắn phá. Ngôi truờng bốc cháy, ông đã lấy thân mình che bom bi cho hai đứa bé con, lúc chết cũng không biết nó là con của những ai.
Không phải người trong cuộc, thế mà Văn thấy choáng váng. Như một người mộng du, phải cố lắm anh mới hiểu đuợc lời kể của Tôn Nữ Nguyệt Mai rằng chị chỉ có một đứa con nuôi. Chính là bé gái, một trong hai đứa trẻ mà thày giáo của cô đã lấy thân mình che chở, vì rằng cha mẹ của nó đều chết trong trận oanh tạc đó. Cũng có thể nó là con của tay hiệu truởng từng là học trò của thày giáo cô, vì hai vợ chồng ấy cùng một số giáo viên và gia đình họ đều chết cháy trong lần oanh tạc của không quân Mỹ.
"Ôi một thời, đã có một thời như vậy đấy! Chẳng lẽ xu thế của cuộc sống bây giờ là cái vỏ vô cảm của người ta cứ càng ngày càng dày lên mãi, để tất cả những gì mà người thày giáo ấy coi là thiêng liêng, dần dà chỉ còn đuợc thấy trong chuyện cổ tích thôi sao!"- Văn chợt nghĩ.
Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 12/03/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 12/03/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét